Vì sao GMD tái khởi động dự án Gemalink Cái Mép?

Vì sao GMD tái khởi động dự án Gemalink Cái Mép?

Một trong những vấn đề nổi cộm được HĐQT CTCP Gemadept (HOSE: GMD) nhắc đến tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa diễn ra sáng ngày 25/05 đó là tái khởi động dự án Gemalink Cái Mép sau khi tạm hoãn thi công vào năm 2012.

Cảng Gemalink Cái Mép

Được biết, cảng Gemalink là cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được GMD lúc đó đánh giá lợi thế cạnh tranh quan trọng so với các cảng khác như: vị trí đắc địa (nằm ngay cửa sông với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu); ngoài ra, Gemalink có cầu bến chính dài nhất; là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép-Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực Tp.HCM và ĐBSCL; Cảng có trang thiết bị hiện đại, được thiết kế để tiếp nhận tàu có trọng tải 200,000 DWT. Ngoài ra, Cảng sẽ có một nguồn hàng nhất định ngay sau khi đi vào hoạt động nhờ vào cam kết sử dụng dịch vụ của các hãng tàu lớn như CMA-CGM, Gemadept và một số hãng tàu khác.

Tháng 6/2010, GMD đã ký kết hợp tác xây dựng cảng Gemalink với công ty Dealim–SAMWHA (Hàn Quốc). Khi đó, dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Cảng sẽ có cầu bến chính dài 800m cho tàu mẹ và bến tàu feeder dài 260m trên diện tích kho bãi 33ha. Khả năng xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1.2 triệu TEU/năm. Và khi hoàn thành giai đoạn 2, diện tích kho bãi của Cảng sẽ tăng lên 72ha với tổng chiều dài cầu bến chính là 1,150m và bến tàu feeder là 370m. Khả năng xếp dỡ cho cả 2 giai đoạn là 2.4 triệu TEU/năm.

Tuy nhiên, từ tháng 01/2012, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và khu vực, GMD đã chủ động giãn tiến độ thi công dự án Cảng nước sâu Gemalink Cái Mép để bù lún tự nhiên giúp tiết kiệm chi phí và chờ thị trường phục hồi. Tính đến cuối năm 2015, tổng tiến độ dự án giai đoạn 1 thực hiện hơn 39%.

Tưởng chừng dự án sẽ tiếp tục nằm im thì bất ngờ tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, GMD lên kế hoạch tái khởi động trở lại. Ông Đỗ Văn Minh – Tổng Giám đốc GMD mở đầu câu chuyện về dự án cảng này một cách hài hước: “Tình hình cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải rất là… tình hình”.

Ông Minh lý giải, năm 2010, các hãng tàu ồ ạt đưa tàu mẹ vào khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, mỗi tuần có khi lên đến 17 chuyến, các cảng khi đó rất “no hàng”. Nhưng chỉ một năm sau đó, khi khủng hoảng đến các hàng tàu lại ồ ạt rút hết, mỗi tuần chỉ còn 5 chuyến, các cảng lại rơi vào cảnh “đói hàng”. Do đó, các cảng hoạt động trong khu vực này rơi vào trịnh trạng âm vốn chủ sở hữu.

Thực tế, ông Minh cho hay lượng hàng vào Việt Nam những năm khủng hoảng không hề giảm nếu không muốn nói là tăng trưởng 10%. Tuy nhiên, các hãng tàu giai đoạn này không chuyển tải tại khu vực cảng Cái Mép mà chuyển tải ở khu vực cảng thuộc Singapore, Hồng Kông, Malaisya…

Ông Minh nói tiếp: “Cho đến cách đây 1 năm, tình hình vẫn u ám như vậy. Đột nhiên, từ giữa năm 2015, các hãng tàu lại ồ ạt đưa tàu vào và lần này toàn những tàu lớn, tàu rất lớn. Và theo thống kê thì những tàu trên 10,000 TEU chiếm hơn 70% các tàu container trên thế giới cập đến khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải”.

Đây là một trong những lý do mà GMD quyết định tái khởi động dự án Gemalink Cái Mép sau nhiều năm giãn tiền độ. Tuy nhiên, một trong những lo ngại mà GMD đối mặt lúc này, cũng là câu chuyện cũ, là không biết được các hãng có rút tàu ra trong thời gian tới như trước hay không. Bởi nếu rút ra thì GMD không thể thực hiện tái khởi động dự án Cảng nước sâu Gemalink Cái Mép được. Do đó mới nói vấn đề ở đây rất là… vấn đề, ông Minh nói thêm.

Theo đó, trong tuần tới đây, GMD sẽ có bản nghiên cứu cụ thể của một hàng tàu đứng thứ 3 thế giới (đối tác sẽ mua 25% tại dự án). Từ đó, Công ty sẽ xem xét một cách thấu đáo, xem vấn đề rút tàu có thể xảy ra trong tương hai hay không thì mới quyết định đầu tư.

Và nếu tái khởi động thì GMD sẽ khởi động ngay lập tức nhưng do cần rất nhiều thời gian nên nhanh nhất cũng phải đầu năm 2017. Vốn đầu tư mới vào dự án này là 200 triệu USD, có thể bằng nguồn vốn đi vay nhưng vẫn còn một phương án khác là bán 25% vốn cho đối tác và dùng tiền này bơm vốn ngược trở lại cho dự án (với điều kiện cổ đông kia cũng đồng ý bơm vốn vào). Ngoài ra, GMD cũng cần phải có một bộ máy thật tốt về kỹ thuật tại dự án này khi tái khởi động.

Liên quan đến hệ thống cảng của GMD, mục tiêu trung hạn của Công ty trong hệ thống cảng là thị phần chiếm 25% (cuối năm 2015 có thị phần 10%) và công suất đạt 4 triệu tấn. Theo đó, việc tái khởi động Cảng nước sâu Gemalink Cái Mép được HĐQT GMD đánh giá sẽ là cơ hội để khẳng định tên tuổi trên thị trường./.