Vinamilk: Trả cổ tức khủng để đổi lấy "cái gật đầu" của SCIC?

Vinamilk: Trả cổ tức khủng để đổi lấy "cái gật đầu" của SCIC?

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, HĐQT CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) sẽ đề xuất phương án chỉ trả cổ tức cao nhất từ trước tới nay với tỷ lệ 60%, bên cạnh phương án chia cổ phiếu tỷ lệ 5:1 như những năm trước. Tuy nhiên, cùng với đó, HĐQT tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động - ESOP.

* Vinamilk: Sẽ thảo luận vấn đề nới room tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới

Theo đề xuất của HĐQT, Vinamilk trình cổ đông phương án chi trả tiếp cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, cùng với lần tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 tỷ lệ 40% thực hiện vào 4/9/2015 trước đó, tổng mức cổ tức năm 2015 sẽ lên tới 60%, mức cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, dự kiến Vinamilk sẽ chi ra hơn 6,400 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho các cổ đông, tương đương 82.3% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2015. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, Đại hội đã thống nhất phương án chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ tối thiểu 50%.

KQKD của Vinamilk trong năm 2015
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2015.

Ngoài ra, cũng như những năm trước, HĐQT Vinamilk sẽ trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20% (tương đương tỷ lệ phát hành 5:1). Dự kiến ngày đăng ký cuối cùng sẽ trong quý 3/2016. Vốn điều lệ dự kiến của Vinamilk sau khi phát hành sẽ tăng thêm 2,419 tỷ đồng.

Đáng chú ý, bên cạnh phương án chi trả cổ phiếu thưởng, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Công ty, đồng thời những kết quả đạt được của Vinamilk trong giai đoạn 2012 – 2016, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ sắp tới phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo phương án này, Vinamilk sẽ bán gần 9.44 triệu cp cho CBCNV. Trong đó, Vinamilk sẽ bán 522,795 cổ phiếu quỹ (thu hồi từ đợt phát hành ESOP 2007-2011) và phát hành thêm hơn 8.9 triệu cp mới, tương đương với 0.74% tổng số cổ phần đã phát hành.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2016. Đặc biệt, giá phát hành cổ phần mới và bán cổ phiếu quỹ được HĐQT đề xuất bằng 2 lần giá trị sổ sách của Vinamilk được ghi nhận trên BCTC gần thời điểm phát hành nhất được kiểm toán soát xét. Với mức giá trị sổ sách hơn 19,000 đồng/cp tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, nếu không có quá nhiều sự chênh lệch, mức giá bán dành cho cổ phiếu ESOP sẽ trên 40,000 đồng/cp tương đương 28% thị giá tính theo giá đóng cửa ngày 6/5/2016 (142,000 đồng/cp).

Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu ESOP có thể sẽ vấp phải sự phản đối. Bởi kể từ sau đợt phát hành 3.6 triệu cổ phiếu ESOP từ năm 2006-2011, Vinamilk đã từng nhiều lần đề xuất phát hành thêm cổ phiếu ESOP cho CBCNV nhưng liên tục nhận sự phản đối của cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, ông Lê Song Lai, thành viên HĐQT đại diện SCIC cho rằng, việc phát hành ESOP làm pha loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu của SCIC. Ông cũng cho biết thêm, hàng năm công ty đều trích quỹ phúc lợi khá lớn, cũng đủ để khích lệ cán bộ công nhân viên, nên tạm thời hoãn việc phát hành đến thời điểm thích hợp.

Mặc dù vậy, với đề án thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamilk đã có, lý do về vấn đề pha loãng sở hữu của SCIC tại Vinamilk đã không còn là điều kiện quá quan trọng. Chưa kể tới phương án chia cổ tức tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, có thể Vinamilk sẽ nhận được "cái gật đầu" quan trọng từ SCIC để thực hiện phát hành ESOP, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây./.