CIG: 16 phiên giao dịch thì 15 phiên trần, giá đã nhảy vọt 85%

CIG: 16 phiên giao dịch thì 15 phiên trần, giá đã nhảy vọt 85%

Cổ phiếu CIG của CTCP COMA 18 đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi giá nhảy vọt 85% chỉ vỏn vẹn trong 16 phiên giao dịch từ đầu tháng 6 đến nay.

CIG là công ty con của Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA), được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2005. Đến 19/07/2011, CIG niêm yết chính thức 12 triệu cp trên HOSE với giá tham chiếu khi đó là 13,500 đồng/cp. Ngành nghề kinh doanh chính của CIG là cơ khí, xây dựng nhà cửa, cao ốc.

Ba năm trước niêm yết thì hoạt động kinh doanh của CIG tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011 thì CIG kinh doanh thụt lùi và đi đến thua lỗ. Đặc biệt liên tục trong năm 2014 và 2015, CIG lỗ lần lượt ở mức 62 tỷ đồng và hơn 38 tỷ đồng. Đến quý 1/2016, CIG vẫn chưa thể thoát lỗ, tiếp tục âm thêm 2 tỷ đồng trong quý, nâng lỗ lũy kế tính đến 31/03/2016 lên hơn 128 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ thực góp chỉ hơn 134 tỷ đồng.

Việc kinh doanh thua lỗ chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu CIG trên sàn gần như rơi tự do, có lúc về mức thấp nhất là 1,200 đồng/cp vào ngày 04/12/2015, tương ứng với mức giảm 88% so với thời điểm niêm yết. Trong 5 tháng đầu năm 2016, giá cổ phiếu CIG cũng giao dịch phần lớn thời gian dưới mốc 2,000 đồng/cp và khối lượng giao dịch bình quân chỉ hơn 4,000 cp.

Tuy nhiên, bước qua tháng 6, chỉ trong 16 phiên giao dịch (01-22/06), cổ phiếu CIG đã tạo ra kỳ tích với 15 phiên tăng trần (11 phiên trần liên tục), giá tăng từ 1,900 đồng/cp để lên 3,700 đồng/cp, tương ứng mức sinh lợi 85%. Đáng chú ý là thanh khoản giai đoạn này của CIG cũng tăng vọt lên 66,300 đơn vị/phiên.

Thống kê giao dịch VIG từ đầu tháng 6 đến nay

Biến động cổ phiếu CIG từ đầu năm 2016 đến nay

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Biến động giá cổ phiếu CIG diễn ra sau khi cổ đông lớn nhất là COMA đã thoái hết 51% vốn (hơn 6.8 triệu cp) vào khoảng cuối tháng 05/2016. Khi đó xuất hiện 4 nhà đầu tư cá nhân trở thành cổ đông lớn của CIG: ông Trần Đức Huế mua hơn 2.1 triệu cp, sở hữu 16% vốn, ông Đỗ Quang Khuê mua 1.34 triệu cp, sở hữu 10% vốn, ông Trần Đức Minh mua 1.34, sở hữu 10% vốn và bà Trần Thị Thu Hiền mua hơn 2 triệu để sở hữu 15% vốn.

Trong số 4 nhà đầu tư trên thì ông Trần Đức Huế, ông Đỗ Quang Khuê và ông Trần Đức Minh đã chính thức tham gia vào HĐQT CIG nhiệm kỳ mới 2016-2021. Theo tìm hiểu thì các cá nhân này đều đang nằm trong ban lãnh đạo của CTCP Tư vấn thiết kế và Xây dựng Việt Nam (VIDEC) *.

Cơ cấu cổ đông của CIG

Trở lại với giao dịch đột biến của CIG, ngoài yếu tố thay đổi về cơ cấu cổ đông thì việc tăng trần liên tục là một điểm đầy bất ngờ bởi xét về hoạt động kinh doanh thì bức tranh của Công ty này vẫn chưa có gì sáng sủa. Bởi trong năm 2016, Công ty tiếp tục đưa ra kế hoạch thua lỗ 7 tỷ đồng và nếu điều này xảy ra thì CIG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CIG vừa diễn ra, HĐQT CIG cũng cho biết phải cần 2- 3 năm nữa mới khắc phục hết các vấn đề cũ còn tồn tại. Chủ tịch Lê Huy Lân cho biết, ban lãnh đạo sẽ cố gắng để hết sức để đạt được kết quả tốt nhất cho Công ty trong năm 2016. Tuy nhiên, trong trường hợp Công ty thua lỗ 3 năm liên tiếp thì ban lãnh đạo có thể sẽ chuyển cổ phiếu CIG sang giao dịch trên sàn UPCoM.

Tại thời điểm này rất khó để đưa ra một lời giải thích xác đáng cho đợt tăng mạnh này của cổ phiếu CIG. Tuy nhiên, hiện CIG vừa được cổ đông thông qua kế hoạch phát hành thêm hơn 18 triệu cp cho đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi, đạt 315 tỷ đồng trong khi thị giá hiện nay đang thấp xa so với mệnh giá. Việc phát hành này nhằm mục đích thu xếp vốn cho việc tái khởi động dự án khu công nghiệp Kim Thành (Hải Dương) với quy mô 165ha, vốn đầu tư dự kiến là 1,200 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm từ quý 3/2016 đến quý 4/2020 và sau khi hoàn thành sẽ mang về khoản lợi nhuận khoảng 150 tỷ đồng. Ngoài ra, CIG cũng phối hợp với Công ty VIDEC để xin tài trợ vốn từ ngân hàng./.

-------------------------------------

(*) VIDEC tiền thân là CTCP Tư vấn thiết kế và Xây dựng Việt Nam. Qua quá trình phát triển, Công ty đã mở rộng thêm các lĩnh vực hoạt động kinh doanh và đổi tên thanh CTCP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam (VIDEC) với những ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư kinh doanh bất động sản, tư vấn thiết kế và thi công xây dựng…. VIDEC có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trụ sở chính công ty đặt tại số 349 phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của VIDEC là ông Trần Đức Huế, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Một số dự án lớn do VIDEC làm chủ đầu tư tại Hà Nội như dự án Diamond Park tại Khu đô thị Mê Linh có quy mô 15ha, dân số khoảng 3,600 người, dự án Khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ - Riverside Garden tại số 45A Phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân có số lượng  căn hộ 650 căn; dân số  khoảng 2,200 người, dự án Đầu tư xây dựng mới Chợ Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có quy mô 1.1ha với 2.000 điểm bán hàng….

VIDEC có 2 công ty thành viên là CTCP Xây dựng VIDEC và CTCP Tư vấn Thiết kế VIDEC. Hiện ông Trần Đức Minh, thành viên HĐQT CIG đang là Giám đốc Xây dựng VIDEC và Chủ tịch Tư vấn Thiết kế VIDEC.