CPH hãng phim: Tài sản lớn nhất là con người

CPH hãng phim: Tài sản lớn nhất là con người

Trong các ý kiến chung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, người ta chỉ đọc thấy toàn là chuyện đất đai, đắt rẻ, cùng lắm là giá trị thương hiệu, chuyện làm nghệ thuật... Ít ai nhắc đến một yếu tố rất quan trọng - đó là con người, là tài năng, cái làm nên giá trị, là tài sản vô hình của một hãng phim ở bất kỳ nước nào.

* IPO Hãng phim truyện Việt Nam: Chỉ có hai cá nhân đăng ký mua 115,000 cp

 

Việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đang làm tốn giấy mực báo chí nhưng đây là một trường hợp đáng tốn giấy mực bởi nó sẽ là tiền lệ cho việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, giải trí, thể thao...

Chuyện cổ phần hóa các hãng phim quốc doanh trước sau gì cũng phải tiến hành vì ngân sách nhà nước không thể bao cấp mãi. Sau này ngân sách có thể được dùng để cấp cho các dự án điện ảnh cụ thể với các đề án cụ thể chứ không thể nuôi một bộ máy thua lỗ và không hiệu quả được.

Vấn đề ở chỗ, cổ phần hóa VFS gặp phải các vấn đề có thể tóm tắt như sau:

- Với điều kiện đặt ra cho nhà đầu tư như không chuyển nhượng cổ phần trong vòng năm năm, tuân thủ phương án sử dụng đất phục vụ việc sản xuất điện ảnh, cam kết 90% doanh thu phải đến từ hoạt động điện ảnh... thì không có nhà đầu tư nào mặn mà cả.

- Chỉ có Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chấp nhận nhưng dư luận phản ứng cho rằng nơi này không có chuyên môn gì về điện ảnh. Vivaso bị nghi ngờ là muốn nhắm tới các khu đất của hãng như trụ sở ở số 4 Thụy Khê rộng hơn 5,400 mét vuông, khu đất ở Hoàng Hoa Thám rộng hơn 900 mét vuông, trường quay ở Đông Anh rộng trên 6,300 mét vuông, chưa kể một khu đất đắc địa ở đường Thái Văn Lung, TPHCM rộng trên 1,200 mét vuông.

- Với tài sản như thế, chưa kể giá trị thương hiệu mà VFS chỉ được định giá 50 tỉ đồng, theo nhiều người, là quá thấp. Vivaso bỏ ra 32.5 tỉ đồng để sở hữu 65% cổ phần là quá hời.

- Những nghệ sĩ đã gắn bó với VFS phản ứng mạnh nhất vì họ sợ mất đi một thương hiệu họ dày công góp phần xây dựng trong hàng chục năm qua.

Trong bối cảnh đó nên có ứng xử như thế nào vì một lợi ích chung và một tầm nhìn dài hạn?

Trước hết phải nhìn lại thực trạng của VFS một cách khách quan mới tìm ra giải pháp. Theo bản công bố thông tin khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng thì vốn điều lệ sau cổ phần hóa của VFS là 50 tỉ đồng, Nhà nước nắm giữ 20%, cổ phần bán cho cán bộ nhân viên là 4.5%, cổ phần bán cho Vivaso là 65%, cổ phần bán đấu giá công khai là 10,5%. Tổng số nhân sự của VFS là 94 người.

Tổng giá trị tài sản của VFS vào thời điểm 30-9-2014 là 91.7 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước được xác định bằng 19.6 tỉ đồng, nợ phải trả là 72 tỉ đồng.

VFS được chuyển đổi mô hình thành công ty TNHH một thành viên từ năm 2011 và trong 10 năm qua, cứ lỗ triền miên. Tổng cộng VFS lỗ lũy kế đến 39.6 tỉ đồng, nợ tiền thuê đất 5.7 tỉ đồng. Doanh thu ba năm trước khi cổ phần hóa có xu hướng giảm dần: 66.4 tỉ (2012), 56.9 tỉ (2013) và 33.6 tỉ (2014); số lỗ lại cao, năm 2012 lỗ 3.5 tỉ, năm 2013 lỗ 1.3 tỉ và chín tháng đầu năm 2014 lại tăng lỗ lên 3.7 tỉ đồng. Vốn nhà nước như nói ở trên là 19.6 tỉ đồng là nhờ đánh giá lại có nhiều mục chênh lệch tài sản làm tăng thêm chứ thực ra vốn nhà nước chỉ còn 3.6 tỉ đồng.

Dù sao định giá tài sản của VFS mà theo các nguyên tắc hiện hành như với các doanh nghiệp khác có thể đúng trên giấy tờ nhưng trong thực tế là không chính xác.

Thứ nhất, mặc dù khi làm thủ tục cổ phần hóa không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp bởi đây là đất thuê của Nhà nước nhưng nên nhớ cũng theo luật, doanh nghiệp cổ phần hóa xong vẫn được tiếp tục thuê đất, dù có trả tiền thuê cao hơn thì giá trị sử dụng các khu đất này vẫn là một giá trị lớn làm nên chênh lệch giữa mệnh giá và giá cổ phiếu trên thị trường, sau này sẽ trở thành thặng dư vốn. Vậy nên khi bán 3.25 triệu cổ phần cho Vivaso (65%) với giá 32.5 tỉ đồng có nghĩa bán đúng mệnh giá 10,000 đồng/cổ phiếu là không ổn. Vì sao chỉ có 10.5% cổ phiếu được bán theo dạng đấu giá rộng rãi ra thị trường mà không là tất cả, lúc đó để cho thị trường quyết định giá?

Thứ hai, dù 325 bộ phim do VFS sản xuất là tài sản nhà nước, không được định giá nhưng chắc chắn chúng có một giá trị sử dụng cũng không nhỏ bởi dù sao VFS là đơn vị đang khai thác chúng.

Xem thêm tại đây

Nguyễn Vũ

TBKTSG