Dòng tiền chọn cổ phiếu đầu ngành, đón đầu KQKD quý 2?

Chuyển động cổ phiếu tuần 13-17/06:

Dòng tiền chọn cổ phiếu đầu ngành, đón đầu KQKD quý 2?

Theo thống kê, dòng tiền trong tuần qua (13-17/06) chủ yếu tăng ở nhóm cổ phiếu đầu ngành. Phải chăng nhà đầu tư đang hướng đến nhóm cổ phiếu có kỳ vọng kết quả quý 2 tăng trưởng tốt hơn?

Trong top 20 mã có thanh khoản tăng mạnh so với tuần giao dịch trước đó, chỉ có 3 mã đang có giá giao dịch dưới mệnh giá và có tính đầu cơ cao là VNH, ITA và QBS. Còn lại phần lớn đều là những cổ phiếu đầu ngành, chẳng hạn như VIC, MSN, DCM, NT2, PAC, CSM, CNG, DCL, SBT… Trong đó, tăng mạnh nhất là NT2 với khối lượng giao dịch trung bình tăng 235%, từ 300,000 đơn vị lên đến hơn 1 triệu đơn vị/phiên.

Có một điểm chung nữa là dù tăng mạnh dòng tiền nhưng trong khoảng thời gian này không có thông tin nào đáng chú ý được công bố mà có thể gây tác động. Do đó nhiều khả năng nhà đầu tư đang tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu ngành này để đón đầu kết quả kinh doanh quý 2/2016.

Ngoài ra, có thêm một lý do nữa để giải thích việc nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu đầu ngành nói trên đó là diễn biến chung thị trường tuần qua đã không thuận lợi với sắc đỏ chiếm ưu thế. Chỉ số VN-Index kết thúc tuần giảm 1.57% đứng tại 619.25 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 1.11% đang dừng ở 83.92 điểm. Thanh khoản thị trường bắt đầu sụt giảm với khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 110.4 triệu đơn vị/phiên giảm 8.3% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 49 triệu cổ phiếu/phiên giảm 9.03%. Trong bối cảnh thị trường đối mặt với rủi ro như vậy thì nhà đầu tư thường có xu hướng chọn những mã cơ bản tốt.

Trở lại với nhóm tăng thanh khoản tuần qua, hai mã sáng nhất tuần có lẽ là PAC và CSM khi có giá tăng hơn 8% trước thông báo chốt quyền để nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng. Cụ thể, CSM công bố ngày 29/06/2016 là ngày GDKHQ nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% và cổ tức tiền mặt đợt 2/2015 tỷ lệ 20%. Với PAC, ngày 22/06/2016 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt đợt 3/2015 tỷ lệ 10% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%.

Ở chiều ngược lại, nhiều mã đầu cơ tiếp tục dẫn đầu trong việc thanh khoản tụt giảm như OGC, CCL, KSA, LCM, PTl, VHG, PPI… Ngoài ra thì có ông lớn MBB cũng sụt giảm 91% thanh khoản có thể bởi lý do đã cạn room ngoại nên không còn hấp dẫn nhà đầu tư nữa.

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE

Trên HNX, dòng tiền tăng đột biến ở PVV và SD2, cùng tăng hơn 200% so với 5 phiên tuần trước đó. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều mã lớn khác như AAA, VGS, CVT, IVS hay PDB có thanh khoản giá tăng.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu họ “P” lại bị dòng tiền rời bỏ khá lớn, chẳng hạn như PVI, PVG, PXA, PVL, PGS hay PVC.

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX

Trong tuần qua, khối bán ròng trên HOSE với 568.6 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với chỉ 3.6 tỷ đồng. Lực bán mạnh của khối ngoại xuất phát từ hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF.

Trên HOSE, lực bán ròng tập trung mạnh nhất là ở VIC với 267.6 tỷ đồng, chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận với 123.2 tỷ đồng; tiếp theo là HHS với 130.6 tỷ đồng, SSI với 81.9 tỷ đồng, KDC với 69.4 tỷ… Về phía mua ròng là các mã như GTN với gần 165.5 tỷ đồng, tiếp theo là MSN với 118.5 tỷ, GAS với 60.9 tỷ đồng... Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở VIX với 18.8 tỷ đồng, SCR với 12.2 tỷ đồng và DBC với 10.3 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở SHB và PVS với 14.4 tỷ và 14.39 tỷ đồng.

Với nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh, VNH, CSV, PAC, QBS, CSM, HAX và GTN là những mã thuộc top 20 cổ phiếu tăng trưởng về thanh khoản. Ngược lại LDG, SBT và DHM mặc dù có dòng tiền tăng mạnh nhưng giá lại giảm đáng kể.

Trên HNX, PVV là cổ phiếu duy nhất vừa có thanh khoản tăng trên 200% mà có giá tăng gần 9% trong khi SD2 chỉ ghi nhận mức tăng 4.5%.

(*) Danh sách các cổ phiếu được xét có khối lượng giao dịch trên 100,000 đơn vị