Tín dụng ở TP.HCM tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm

Tín dụng ở TP.HCM tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm

Tín dụng trên địa bàn TP.HCM trong 5 tháng đầu năm nay tăng 5%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM hôm 8-6.

Tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Ảnh: TL TBKTSG

Theo báo cáo, dư nợ trên địa bàn TP.HCM ước đạt trên 1,29 triệu tỉ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2015.

Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, tín dụng trong những tháng đầu năm nay tiếp tục đáp ứng được nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, và đạt tốc độ cao nhất trong 3 năm gần đây.

Riêng trong bốn tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 4,2%, trong khi tốc độ tăng trong cùng kỳ năm trước là 3,5%, năm 2014 là 0,7% và năm 2013 là 1,7%. Các dữ liệu này cho thấy tín dụng tại thành phố đang tăng tốc.

Huy động vốn tính đến cuối tháng 5-2016 ước đạt trên 1,63 triệu tỉ đồng, tăng 4,46% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tiền gửi từ dân cư đạt 883.000 tỉ đồng, chiếm gần 54% và tăng 7,84% so với cuối năm 2015.

Về diễn biến lãi suất trong 5 tháng đầu năm nay, NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết có sự thay đổi, biến động, chủ yếu ở lãi suất tiền gửi trung và dài hạn (tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng). Lãi suất huy động phổ biến ở mức 5,2-5,3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, và khoảng 5,75%-7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,2%/năm, tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm so với cuối năm trước, mức cao nhất đang được ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng là 8%/năm.

Lãi suất cho vay thông thường phổ biến ở mức 6,7-8,9%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 9%-10%/năm cho vay trung dài hạn.

Một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trung – dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn cho hợp lý khi cho vay vốn trung dài hạn đang có xu hướng tăng. Số liệu thực tế cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay trung dài hạn trên địa bàn TP.HCM đạt trên 746.000 tỉ đồng, tăng 5,1% so với cuối năm ngoái, chiếm gần 60% tổng dư nợ trên địa bàn, trong khi dư nợ ngắn hạn tăng 3,12%.

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống, trước đó, vào đầu tháng 6-2016, trong Báo cáo của HSBC về triển vọng thị trường Việt Nam, Khối nghiên cứu của HSBC cho biết họ lo ngại các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ cố nới lỏng các điều kiện tín dụng để kích thích đầu tư, chi tiêu nhằm khuyến khích tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, đầu tháng 5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành sử dụng mọi biện pháp có thể để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong khi vẫn kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Khối nghiên cứu của HSBC cho rằng Việt Nam khó đạt được mục tiêu này trong bối cảnh tăng trưởng quý 1/2016 không tốt (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước) cùng với những khó khăn vượt mức kỳ vọng đối với hoạt động xuất khẩu.

Những khó khăn đối với thương mại lớn hơn dự kiến khiến nhu cầu trong nước – cụ thể là trong lĩnh vực đầu tư - phải tăng rất mạnh nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Do đó, với chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng Chính phủ sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước tăng mức tăng trưởng tín dụng lên gần 20% trong nửa cuối năm nay. Hiện tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống Việt Nam trong tháng 4-2016 đạt 17,3% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của HSBC.

T.Thu

tbktsg