Các SME Campuchia muốn được lên sàn để huy động thêm vốn

Các SME Campuchia muốn được lên sàn để huy động thêm vốn

Nếu các nhà điều hành thị trường chứng khoán Campuchia nỗ lực sửa đổi các quy chế tài chính cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) niêm yết, họ có thể tiến hành huy động vốn từ công chúng thông qua sàn chứng khoán thay vì chỉ dựa vào những phương thức huy động vốn cơ bản, theo Khmer Times.

Tại buổi hội thảo chuyên đề diễn ra hôm 15/07, bà Nguon Sokha, Thư ký Bộ Kinh tế - Tài chính Campuchia cho biết các SME được Chính phủ xem là một trong những yếu tố thúc đẩy chính cho tăng trưởng kinh tế. 

Bà chia sẻ, vì lý do này, Bộ Kinh tế - Tài chính và các cơ quan Chính phủ khác đang tiến hành sửa đổi các quy chế tài chính liên quan nhằm cho phép các SME niêm yết công khai trên sở GDCK Campuchia (CSX) để huy động thêm vốn thay vì chỉ dựa vào các ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô (MFI).

Bà Sokha nói: “Xét đến vai trò của các SME trong tiến trình xây dựng đất nước cũng như tiềm năng của họ trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân, việc cần thiết là tạo ra một môi trường để các doanh nghiệp này phát triển mạnh hơn”.

Nhận xét việc các SME được niêm yết trên CSX, bà Keo Mom, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Campuchia cho rằng điều này sẽ mang đến cho các SME thêm một phương thức huy động vốn khác.

Theo quan điểm của ông Kauy Vath, CEO của Vtrust Group, Campuchia có thể bắt chước các nước khác như Ấn Độ và Mỹ bằng cách cho phép các SME niêm yết công khai theo một phân khúc đặc biệt trên sàn chứng khoán.

Ông cho rằng các SME có thể đưa cổ phiếu lên sàn theo dạng “blue chips mới nổi” và thu hút những nhà đầu tư nhận thấy rõ tiềm năng của các doanh nghiệp trẻ.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Sou Socheat của Ủy ban chứng khoán Campuchia (SECC) cho rằng các SME có thể đối mặt với một số rủi ro trên sàn chứng khoán do cơ cấu vốn của họ tương đối nhỏ. Ông nói: “Do đa số các SME đều mới thành lập, nên cũng không có hồ sơ về tình hình hoạt động để đánh giá họ”.

 Ông Socheat đề cập đến việc cần có một tiêu chuẩn như là điều kiện để niêm yết trên sàn chứng khoán đối với các SME để hình thành một thị trường thành công và nhà đầu tư có thể lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để rót vốn.

Bên cạnh đó, ông chia sẻ: “Chúng tôi sẽ không đặt ra các yêu cầu về vốn cụ thể như đối với các công ty lớn, nhưng một trong các yêu cầu tối thiểu đối với các SME sẽ là thời gian hoạt động, có thể ít nhất là 3 năm. SECC sẽ kiểm tra các chỉ tiêu như hồ sơ tài chính của các SME để đảm bảo tình hình tài chính của họ được ổn định nếu các công ty này được niêm yết trên CSX”./.