Thét kế hoạch khủng 2016, DIG liệu có thành công?

Thét kế hoạch khủng 2016, DIG liệu có thành công?

Thuộc hàng doanh nghiệp có vốn điều lệ trong top đầu nhóm bất động sản, nhưng những kết quả mà Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) thu được lại chưa tương xứng với tầm vóc của mình. Lật lại “thành tích” 4 năm gần đây, DIG vẫn chưa một lần cán đích kế hoạch do chính mình đề ra.

Quá trình tăng vốn của DIG giai đoạn 2008-2015 (Đvt: tỷ đồng)
DIG tiền thân là Nhà nghỉ Xây dựng được Bộ Xây dựng thành lập ngày 26/5/1990. Đến năm 2008, Công ty đã chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần. Sau hơn 8 năm hoạt động dưới mô hình mới, tính đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của DIG đang ở mức 2,145 tỷ đồng.

Truyền thống… “vỡ” kế hoạch

Trong 4 năm gần đây nhất, DIG luôn đặt kế hoạch lãi ròng ở mức không dưới 70 tỷ/năm, tuy nhiên kết quả thực hiện luôn kém xa con số đó. Riêng năm 2015 thì lãi ròng thực hiện vỏn vẹn 10 tỷ đồng, chỉ bằng 14% so với kế hoạch đặt ra. Theo lý giải của DIG, nguyên nhân không thể hoàn thành kế hoạch là vì sản phẩm tại các dự án mặc dù đã được bán nhưng chưa bàn giao cho khách hàng nên chưa thể hạch toán doanh thu …

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của DIG vừa qua, cổ đông cũng đề cập đến việc kết quả kinh doanh giai đoạn 2012 – 2014 của DIG quá khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô vốn hàng ngàn tỷ và thuộc hàng “khủng” trong ngành bất động sản.

Lợi nhuận sau thuế kế hoạch và thực hiện các năm gần đây
(Lãi ròng thực hiện kém khá xa so với chỉ tiêu đề ra của HĐQT)

Dù quá khứ là thế nhưng năm 2016, Ban lãnh đạo của DIG tiếp tục đưa ra các chỉ tiêu “khủng” với doanh thu hơn 1,104 tỷ đồng, tăng 60% so với thực hiện năm 2015; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gấp 11 lần, đạt gần 118 tỷ đồng. Kèm với đó là chi tiết các nguồn thu dự kiến cho cả năm nhằm chứng minh cho tính khả thi trong kế hoạch.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại kế hoạch mà DIG cũng đã trình ra trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 thì có thể thấy không mấy trong số đó được hiện thực hóa. Và thực tế kết quả quý đầu tiên của năm 2016 vẫn còn cách quá xa mục tiêu. Doanh thu quý 1/2016 của DIG chưa đến 300 tỷ đồng, tương đương 17% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế gần 10 tỷ đồng, cũng chỉ mới thực hiện 8% chỉ tiêu năm đã đề ra.

Ôm hàng loạt dự án hoài chưa đến thời kỳ “trái ngọt”

DIG tham gia vào hàng loạt dự án, từ xây dựng chung cư, khu dân cư cho đến những dự án khu đô thị, tổ hợp khách sạn... Tính đến nay, DIG đang thực hiện 18 dự án, trong đó có những dự án lớn có thời gian thực hiện kéo dài, điển hình có những dự án lên tới 12-13 năm như khu trung tâm Chí Linh, khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên… khiến chi phí dở dang ngày càng phình to còn “trái ngọt” hoài chưa tới kỳ thu hoạch.

Trong 5 năm trở lại đây, phần chi phí dở dang nằm trong khoản mục hàng tồn kho của DIG liên tục gia tăng, tại thời điểm kết thúc năm 2015, ghi nhận ở mức hơn 2,366 tỷ đồng. Và con số này tiếp tục tăng lên mức 2,494 tỷ đồng trong quý 1/2016.

Hai dự án đang tồn đọng lớn nhất của DIG là khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước và khu đô thị Nam Vĩnh Yên với chi phí dở dang 700-800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DIG còn có loạt dự án tồn đọng từ năm 2011 và trước đó như: dự án khu trung tâm Chí Linh ở Vũng Tàu (102 tỷ); tổ hợp khách sạn văn phòng Phoenix (171.6 tỷ); khối căn hộ cao cấp DIC (300.5 tỷ); dự án P4 Hậu Giang (103.7 tỷ); dự án tại An Sơn tại Tp Đà Lạt (108.7 tỷ đồng)…

Chi phí dở dang các dự án qua các năm (Đvt: tỷ đồng)

Chưa dừng lại, các dự án của DIG vẫn tiếp tục ngốn tiền trong năm 2016. DIG dự kiến hạn mức đầu tư dự án gần ngàn tỷ cho năm này. Trước đó, năm 2015, mức đầu tư các dự án cũng lên đến 667 tỷ, tăng mạnh so với năm trước, tập trung chính vào những cái tên quen thuộc như khu Trung tâm Chí Linh, đô thị Nam Vĩnh Yên và khu đô thị Du lịch Sinh Thái Đại Phước, đây đều là các dự án dài hơi với quy mô lớn.

Chi đầu tư các năm gần đây (Đvt: tỷ đồng)

Trong đó, Khu Trung tâm Chí Linh có quy mô gần 100ha, tổng mức đầu tư 4,200 tỷ đồng, phục vụ cho khoảng 20,000 dân. Dự án này được DIG triển khai từ năm 1996, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thành sau khoảng 20 năm. Hiện DIG đã phải có văn bản đề nghị gia hạn thời gian thực hiện tới năm 2020.

Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước triển khai từ năm 2005 với vốn tổng vốn đầu tư dự kiến 7,506 tỷ đồng, được triển khai làm 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành năm 2019. Theo kế hoạch, hết năm 2014, dự án được hoàn thành xong giai đoạn 2 gồm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật (HTKT), hoàn chỉnh khu biệt thự số 4 và từ năm 2015 sẽ triển khai xây dựng các chung cư cao tầng thuộc phân khu số 1 và 2, khu khách sạn... Tính đến cuối năm 2015, DIG đã đầu tư xây dựng hoàn thành HTKT phân khu 1 và 2.

Về phần dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, đây là dự án DIG dự kiến thực hiện trong 13 năm (2010 - 2023) với tổng mức đầu tư 8,700 tỷ đồng. Theo báo cáo của Công ty, kể từ năm 2016 dự án sẽ đi vào giai đoạn thu hồi vốn.

Trước tình thế hiện tại, vừa qua, HĐQT đã có nghị quyết về việc chuyển nhượng một phần tại nhiều dự án, trong đó có 3 dự án lớn kể trên và dự án Khu biệt thự Đồi An Sơn (Đà Lạt) kể từ tháng 6/2016.

* DIG: Thực hiện chuyển nhượng hàng loạt dự án

Gánh nặng đầu tư ngoài ngành

Một vấn đề khác mà DIG cũng đang vướng phải là tồn tại lượng lớn vốn đầu tư ngoài ngành. Trong khi các công ty liên doanh, liên kết và đơn vị khác lại hoạt động kém hiệu quả, chẳng những không đem về lợi nhuận mà còn trở thành gánh nặng cho Công ty. Đơn cử trong hai năm gần nhất, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết liên tục ghi âm hơn 4.5 tỷ đồng và 6.8 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 1/2016, khoản đầu tư tài chính dài hạn của DIG đang ở mức 1,066 tỷ đồng. DIG đang rót hơn 809 tỷ đồng đầu tư vào 11 công ty liên doanh, liên kết với tỷ lệ sở hữu dao động từ 22- 43%; đầu tư 222 tỷ đồng để nắm giữ cổ phiếu rải rác tại 15 đơn vị với tỷ lệ sở hữu từ 15% trở xuống.

Vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp này đã được đưa ra từ năm 2011và luôn có mặt trong kế hoạch hoạt động của Công ty mỗi năm, tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện, số công ty thành viên của DIG vẫn còn 26 doanh nghiệp, giảm 1/3 so với ban đầu (39 công ty).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, cổ đông đã thông qua lộ trình tái cấu trúc giai đoạn 2015- 2017, theo đó DIG dự kiến sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp không nắm cổ phần chi phối để giảm đầu tư ra bên ngoài từ con số 1,300 tỷ xuống còn 600 tỷ đồng. Cụ thể, DIG sẽ thoái vốn khỏi CTCP Xi măng Fico Tây Ninh, CTCP Vina Đại Phước, CTCP Việt Thiên Lâm, Cao su Phú Riềng, CTCP Sông Đà - Hà Nội, CTCP Tài chính Sông Đà (đã sáp nhập vào MBB)./.