Toàn cầu hóa đang “chết dần chết mòn”?

Toàn cầu hóa đang “chết dần chết mòn”?

Theo Business Insider, xu hướng toàn cầu hóa đang bắt đầu đổi chiều. 

Ý tưởng cho rằng các công ty cần được kinh doanh xuyên lục địa mà không bị hạn chế bởi bất kỳ Chính phủ nào đang không được các chính trị gia ủng hộ.

Để sống được, toàn cầu hóa cần có các thỏa thuận thương mại quốc tế. Tuy nhiên, với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị “mắc kẹt” ở con số không, các cử tri ngày càng trở nên hoài nghi hơn.

Điều này đang làm suy yếu dần sức mạnh chính trị từ những thỏa thuận trên toàn châu lục như Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Và có vẻ như sự “chết dần chết mòn” của quá trình toàn cầu hóa đang có nguy cơ diễn ra nhanh hơn.

Chẳng hạn như ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ tìm cách đưa nước Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện Brexit có thể khiến vị thế trung tâm dịch vụ tài chính của Luân Đôn bị đe dọa.

Ngay cả khi không có những đổi hướng bất chợt về phía chủ nghĩa dân túy này thì hoạt động giao thương quốc tế vẫn đang trên đà giảm sút.

Biểu đồ dưới đây của HSBC sẽ cho chúng ta thấy điều đó:

Đà tăng trưởng "èo uột" của hoạt động giao thương
Nguồn: HSBC

Và đây là những gì mà nhóm chuyên gia phân tích của HSBC phải thốt lên: “Ngay cả trước khi nước Mỹ có Tổng thống mới, những phát triển gần đây của nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất (G20) không hề cho thấy sự khích lệ: suốt 9 tháng qua, các biện pháp hạn chế thương mại mới đã được áp dụng với tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2009”.

Còn đây là biểu đồ cho thấy sự gia tăng của số lượng chính sách hạn chế thương mại trong nhóm G20:

Hiện tại, HSBC đưa ra nhận định khá bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu nếu tình trạng siết chặt giao thương quốc tế không đạt được sự chuyển biến: “Theo các đại diện kinh doanh quốc tế của nhóm G20, việc thay đổi hoàn toàn tất cả các biện pháp hạn chế thương mại được thực thi kể từ năm 2008 đến nay có thể thúc đẩy GDP toàn cầu tăng thêm 423 tỷ USD mỗi năm và hỗ trợ cho 9 triệu việc làm. Những đề xuất chính sách hiện tại trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ cho thấy rất khó để lạc quan rằng điều này sẽ trở thành hiện thực”./.