FID: Cổ đông lớn “đảo hàng”, giá cổ phiếu lao dốc

FID: Cổ đông lớn “đảo hàng”, giá cổ phiếu lao dốc

Sau động thái thoái vốn của cổ đông nội bộ và cổ đông lớn thì giá cổ phiếu của FID đã lao dốc gần 50% chỉ trong 1 tuần. Chuyện gì đang xảy ra tại FID?

Tại ngày 08/07/2016, giá cổ phiếu FID của CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam dừng tại mức giá 25,100 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi niêm yết vào tháng 05/2015 (tương ứng mức tăng hơn 200%). Tuy nhiên, chỉ với hai chu kỳ giảm điểm liên tiếp, cứ một phiên đứng giá thì có 4 phiên giảm sàn và những phiên giảm điểm gần đây thì giá cổ phiếu FID chỉ còn 13,500 đồng/cp vào ngày 04/08, tương ứng giảm gần 50% từ mức cao kỷ lục đã đạt được.

Đến ngày 16/08, sau những nỗ lực phục hồi với vài phiên xanh điểm và một phiên kịch trẩn, FID đang giao dịch tại mức giá 16,000 đồng, vẫn thấp hơn 36% so với mức đỉnh đã tạo trong giai đoạn trước.

Điều đáng chú ý là biến động khó hiểu của giá cổ phiếu FID diễn ra trong bối cảnh nhiều cổ đông nội bộ và cổ đông lớn của Công ty đã lần lượt thoái vốn trong một tháng trước đó.

Cụ thể, ông Bùi Đình Như – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FID đã bán 2.2 triệu cổ phiếu và thoái vốn từ 14.55% xuống còn 4.55% vào ngày 24/06.

Hai Thành viên HĐQT khác là ông Lê Đức Tự cũng đã bán 1.1 triệu cp của công ty vào ngày 20/06 và ông Hoàng Ngọc Chiến bán 1.1 triệu cp vào ngày 22/06 với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, vào ngày 28/06 CTCP Finway cũng đã bán 1.32 triệu cp FID để giảm tỷ lệ nắm giữ từ 10.55% xuống 4.55%.

Sau các giao dịch này, số lượng cổ phiếu mà các cổ đông nội bộ cũng như Finway nắm giữ cùng là 1 triệu cp, tương ứng 4.55% vốn và đều không còn là cổ đông lớn của Công ty.

Cơ cấu cổ đông FID trước thời điểm phát hành cổ phiếu

Một điểm đáng chú ý khác chính là trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu gần 11 triệu cổ phiếu mà FID vừa hoàn tất vào ngày 24/05/2016 số lượng cổ đông thực hiện quyền mua chỉ hơn 3 triệu cp, số lượng cổ phiếu còn lại gần 8 triệu cp được phân phối cho những nhà đầu tư khác. Trong đó, CTCP Finway và ông Bùi Đình Như, ông Lê Đức Tự và ông Hoàng Ngọc Chiến được phân phối 1 triệu cp cho mỗi nhà đầu tư. Bên cạnh đó, số lượng cố phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Như vậy, các tổ chức và cá nhân này đã bán hết toàn bộ số lượng cổ phiếu có quyền chuyển nhượng của mình và chỉ giữ lại số cổ phần không thể chuyển nhượng (lưu ý rằng, thời điểm các cổ đông nội bộ thoái vốn cũng là lúc FID được niêm yết được hơn 1 năm, tức là các cổ đông được phép bán hết toàn bộ số cổ phần nắm giữ theo quy định).

Cũng phải nói thêm, mức giá mà các cổ đông nội bộ và Finaway mua cổ phiếu FID trong đợt phát hành vừa qua là 10,000 đồng/cp. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông nội bộ của FID và Finway đã có được một khoản lãi lớn khi thoái vốn khỏi FID trong khoảng thời gian từ ngày 20 - 28/06. Điều này tạo ra những đáng ngờ trong con mắt của nhà đầu tư vì trong khi việc phát hành cổ phiếu với giá chào bán bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu ế ẩm thì mức giá được các cổ đông lớn của công ty giao dịch thỏa thuận lại cao gấp đôi với khối lượng lên tới hàng triệu cp. Trong đó, ông Lê Đức Tự đã bán ra 1.1 triệu cp vào ngày 20/06 với mức giá 17,500 đồng/cp và thu về hơn 19 tỷ đồng. Đến ngày 22/06, ông Hoàng Ngọc Chiến cũng bán 1.1 triệu cp với cùng mức giá này và thu về số tiền tương tự. Hai ngày sau đó, vào ngày 24/06, với mức giá cao hơn là 20,000 đồng/cp, ông Bùi Đình Như đã bán 2.2 triệu cp và nhận về 44 tỷ đồng. Riêng CTCP Finway lại là cổ đông bán cổ phiếu FID với mức giá cao nhất là 20,200 đồng/cp vào ngày 28/06 với 1.32 triệu cp được sang tay và giá trị giao dịch gần 27 tỷ đồng. 

Như vậy chỉ với giao dịch của các cá nhân và tổ chức trên đã có 5.72 triệu cp FID đã được sang tay tương ứng với 26% vốn của công ty. Thống kê cho thấy những giao dịch này đều thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Những diễn biến mới nhất tại FID còn cho thấy công ty đang có những bước thay đổi về định hướng hoạt động. Bên cạnh việc ông Hoàng Ngọc Chiến không còn là thành viên HĐQT và FID đã công bố sẽ rút hết vốn tại công ty con là CTCP Đầu tư Xây lắp và Thương mại Việt Nam (VIT) thì mới đây, ngày 04/08, HĐQT của công ty đã ra quyết định về việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường nhằm bầu thay thế thành viên HĐQT, thành viên BKS, Song song đó, FID còn có dự định sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư năm 2016-2017 và thay đổi cả trụ sở công ty. Liệu có chăng một thương vụ gom hàng của một thế lực khác?