Giải pháp tưới hiệu quả giúp cây mía vượt qua biến đổi khí hậu

Giải pháp tưới hiệu quả giúp cây mía vượt qua biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), biến đổi khí hậu sẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới một cuộc khủng hoảng nông nghiệp sâu sắc. Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngành mía đường Việt Nam đang gấp rút triển khai các phương án đối phó tình trạng khí hậu diễn biến bất thường.

Mặc dù được xem là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, cây mía vẫn rất cần nước. Theo quy luật sinh trưởng, thời kỳ cây mía làm đốt, vươn lóng là giai đoạn cần 60% tổng lượng nước suốt quá trình phát triển, quyết định khối lượng cây cao hay thấp. Vậy phương pháp nào giúp cây mía tăng khả năng chống hạn và tăng trưởng tốt trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay?

Nông trường Thành Long áp dụng hệ thống tưới hiện đại Center Pivot

Phương pháp tưới béc quay cố định đang được Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến khích nhân rộng vì có nhiều ưu điểm nổi trội. So với các phương pháp khác, hệ thống béc quay cố định chỉ tốn chi phí lắp đặt một lần khoảng 13 - 14 triệu đồng/ha cho thời hạn sử dụng khoảng 6 - 7 năm. Trong suốt thời gian vận hành hầu như không tốn chi phí nhân công để theo dõi hay di dời ống. Bên cạnh đó, hệ thống béc quay cố định cũng không gây cản trở cho việc vận hành các phương tiện cơ giới cày xới cũng như chăm sóc mía. Với chiều cao béc cố định khoảng 1.6m, hệ thống hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tưới nước cho mía lớn nên có thể tưới trong thời kỳ mía vươn lóng, tăng đáng kể năng suất thu hoạch. Niên vụ 2015 - 2016, nhiều hộ nông dân tại Tây Ninh áp dụng mô hình này giúp tăng năng suất 22 - 25 tấn mía/ha so với mía không tưới, và hơn 10 tấn/ha so với các hình thức tưới khác.

Đối với quy mô canh tác lớn ở những nông trường mía, các công ty mía đường của TTC đã áp dụng phương pháp tưới có mức độ cơ giới hóa cao. Hệ thống tưới Center Pivot đang được áp dụng tại nông trường Thành Long có thể xem là một trong những công nghệ tưới hiện đại nhất thế giới sử dụng cho quy mô sản xuất đại điền. Được nhập khẩu từ Mỹ với chi phí khoảng 4 tỷ đồng/giàn, mỗi giàn tưới Center Pivot với chiều dài 500m, khả năng tự vận hành có thể tưới cho 80ha mía chỉ trong 20 giờ.

Hội thảo thường niên Mía đường Quốc tế TTC lần III

Cùng với tưới mía, công tác đầu tư hệ thống máy cày hiện đại, công suất lớn và thiết bị cày sâu không lật cũng góp phần cải thiện năng suất mía cũng như chống hạn trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt hiện nay. Những máy kéo có công suất từ 90HP đến 245HP, việc cày sâu tối thiểu 40cm hoàn toàn khả thi trên tất cả các địa hình, từ đồng bằng cho đến vùng đồi núi. Cày sâu phá vỡ tầng đế cày, giúp bộ rễ ăn sâu hơn, cây mía hút nước tốt, hấp thu được nhiều dinh dưỡng trong đất, tăng khả năng chống chịu khô hạn và đồng thời giúp cây mía chống đổ ngã, đảm bảo chất lượng, năng suất, thuận lợi cho thu hoạch.

Có thể nói, tưới hiệu quả là một trong rất nhiều giải pháp hữu ích hiện nay giúp ngành mía đường đối phó với sự thay đổi thất thường của khí hậu. Các quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực mía đường như Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Mỹ...  đều có những bài học thực tiễn được đúc rút từ việc ứng phó biến đối khí hậu trong suốt thời gian vừa qua.

Những kinh nghiệm này sẽ được chuyên gia đến từ các tập đoàn uy tín quốc tế trình bày cụ thể tại Hội thảo thường niên Mía đường Quốc tế TTC lần IV ngày 19/8/2016 tại thành phố Đà Lạt với sự đồng hành của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS - SBT), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), Công ty Phân Bón Việt Nhật (JVF), Tập đoàn John Deere và Công ty TNHH MTV Thiết Bị Mê Kông, CTCP Phân Bón Miền Nam, CTCP Phân Bón Bình Điền, Công ty Bảo Vệ Thực Vật 1 Trung Ương, Công ty TNHH MTV Thiết bị nặng Oneasia, Công ty TNHH A.T.C Supply./.