IPO VEAM: 240 nhà đầu tư đăng ký mua gần 150 triệu cp

IPO VEAM: 240 nhà đầu tư đăng ký mua gần 150 triệu cp

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của Công ty mẹ - Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Theo đó, đã có 240 nhà đầu tư đăng ký mua gần 150 triệu cp, tương đương 90% lượng cp được chào bán.  

Cụ thể, có 15 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 132,128,000 cp và 225 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 17,370,500 cp của VEAM.

Phiên IPO hơn 167 triệu cp (tương đương 12.57% vốn) của VEAM sẽ diễn ra vào ngày 29/08/2016 tới đây, giá khởi điểm 14,290 đồng/cp. Với số lượng cổ phần đã đăng ký mua, ước tính số tiền thu về từ đợt đấu giá hơn 2,100 tỷ đồng.

Vốn điều lệ dự kiến của Công ty sau cổ phần là 13,288 tỷ đồng; trong đó Nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu 51% (677,688,000 cp), nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 36% (478,368,000 cp), cán bộ công nhân viên nắm giữ 0.43% (5,669,100 cp) và nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 12.57% (tương đương 167,074,900 cp). Theo lộ trình đến năm 2018, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm xuống 36%.

Cơ cấu cổ đông dự kiến của VEAM sau khi cổ phần hóa

Được biết, Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là Công ty TNHH Nhà nước MTV, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, thuộc Bộ Công thương. VEAM được thành lập ngày 12/05/1990, gồm 12 nhà máy cơ khí (7 nhà máy ở phía Bắc và 5 nhà máy ở phía Nam). Năm 1991, VEAM sáp nhập thêm 2 viện nghiên cứu tại Hà Nội là Viện nghiên cứu Công nghệ và Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp.

Hiện Tổng công ty có hơn 25 đơn vị thành viên bao gồm 4 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 12 công ty con, 9 công ty liên kết liên doanh và các viện nghiên cứu. Trong số các đơn vị thành viên còn có 3 công ty chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị đáp ứng các nhu cầu của VEAM và các bạn hàng khác. VEAM là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Mekong Auto, Kumba và VEAM Korea.

VEAM đang sở hữu 30% Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam và công ty con sở hữu 100% bởi VEAM là Diesel Sông Công đang nắm giữ 25% vốn tại Ford Việt Nam. Tính đến thời điểm cuối năm 2014, giá trị đầu tư vào Honda, Toyota và Ford Việt Nam lần lượt là 7,142 tỷ đồng, 908 tỷ đồng và 331 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động kinh doanh của Honda và Toyota Việt Nam giai đoạn 2012-2015
Triệu đồng

Trong 2 năm tới (giai đoạn 2016-2017), Tổng công ty định hướng tập trung đầu tư các máy móc thiết bị, đầu tư nhà máy nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Mức đầu tư trong 2 năm 2016 và 2017 cùng đạt hơn 627 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị năm 2016-2017

Về kế hoạch sau khi cổ phần hóa giai đoạn 2016-2019, VEAM dự kiến đạt tổng doanh thu xấp xỉ 5,716 tỷ đồng trong năm 2016; năm 2017 mục tiêu đạt 5,405 tỷ, giảm 5%; giảm tiếp 9% trong năm 2018 xuống 4,913 tỷ và chạm mức 5,241 tỷ đồng trong năm 2019; trong đó doanh thu tài chính chiếm tỷ trọng lớn.

Năm 2016, Tổng công ty dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế 3,500 tỷ đồng và lần lượt 3,100 tỷ, 2,300 tỷ và 2,400 tỷ đồng trong 3 năm tiếp theo. VEAM cũng dự kiến chi trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 18%, năm 2017 cổ tức tỷ lệ 16%, năm 2018 là 12% và năm 2019 đạt 13%.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2019

Nhìn lại hoạt động của Tổng công ty năm 2015, hiện VEAM chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất trong năm. Tổng doanh thu Công ty mẹ năm 2015 đạt hơn 5,330 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2014; lợi nhuận sau thuế năm 2015 ghi nhận 3,335 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 4 lần (cùng kỳ năm trước đạt 842 tỷ)./.