Nghịch lý đường nhiều - giá cao

Nghịch lý đường nhiều - giá cao

Gần đây, nhiều tờ báo đăng tải những bài viết phản ánh một nghịch lý: Đường tồn kho cao, nhập lậu nhiều, nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng. Nghịch lý đó, nếu có thật, do đâu?

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguồn cung đường trong nước hiện nay không thiếu. Lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, tới trên 410.000 tấn. Nếu cộng với lượng đường của Hoàng Anh Gia Lai chuyển về Việt Nam hơn 30.000 tấn, 85.000 tấn nhập khẩu theo cam kết với WTO và 100.000 tấn được Chính phủ đồng ý chủ trương nhập bổ sung sắp về Việt Nam, dự báo thị trường có thể dư thừa hơn 200.000 tấn đường.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, lượng đường nhập lậu năm nay có giảm nhưng vẫn còn khá cao, khoảng 200.000 tấn, bổ sung cho thị trường một lượng đường bất hợp pháp không nhỏ.

Nhìn dưới góc độ thị trường - giá cả, giữa tháng 8, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (đã có thuế GTGT) tại nhà máy ở mức 16.300 đồng/kg.

Tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá đường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá đường kính trắng bán lẻ 19.000 - 21.000 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống, giá đường rẻ hơn siêu thị chút ít. Nguồn cung không thiếu, song giá đường vẫn được giữ ở mức cao, vì sao vậy?

Theo lý giải của nhiều nhà máy đường, đầu niên vụ 2015- 2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, nhiều nhà máy đường đã tăng giá mua mía nên đến nay buộc phải tăng giá đường bán ra để bù chi phí sản xuất. Cách giải thích đó nghe có vẻ chưa “thuận tai”, nhất là trong bối cảnh giá đường Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực, chẳng hạn, giá đường của Thái Lan chỉ khoảng 60 UScent/kg (trên dưới 12.000kg)… Câu chuyện mía năng suất thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, giá đường cao nhất trong khu vực, chỉ mong chờ sự bảo hộ… của ngành mía đường Việt Nam không còn lạ lẫm, đến nay vẫn chưa có bất cứ sự “chuyển mình” nào. Việc tăng giá đường khác nào các nhà máy đường tiếp tục tự hại chính mình?

Có một nguyên do khác mà các nhà máy đường đưa vào “vùng tối” nhưng các doanh nghiệp thương mại biết rất rõ: Hiện còn tồn tại quá nhiều khâu trung gian phân phối đường, nhiều doanh nghiệp, thương nhân, đại lý gom hàng, đầu cơ, trục lợi, nhiều khi đẩy giá đường lên cơn sốt ảo.

Muốn kéo giá đường xuống, cân đối cung cầu, trước tiên phải “dọn dẹp” thị trường, tổ chức lại khâu phân phối, cắt bớt trung gian, loại bỏ đầu cơ, tất nhiên, nhiều lợi ích không chính đáng cũng bị cắt bỏ. Nếu không, đường nhập theo hạn ngạch về nhiều cũng khó cải thiện được giá đường./.

báo công thương