Nhả SRC, VHG đã mất kiên nhẫn với cao su?

Nhả SRC, VHG đã mất kiên nhẫn với cao su?

Đã từng rất hưng phấn khi đầu tư vào Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) với tham vọng M&A nhưng chỉ sau gần 2 năm sở hữu, Đầu tư Cao su Quảng Nam (HOSE: VHG) lại bất ngờ buông bỏ. Và càng bất ngờ hơn sau khi VHG thoái thì SRC lại thực hiện chia cổ phiếu thưởng khủng 40%.

Đầu tư mạnh vào SRC vào cuối năm 2014, sau gần hai năm sở hữu, VHG đã bất ngờ buông bỏ khoản đầu tư này khi liên tục 5 ngày giao dịch cuối tháng 7 đầu tháng 8 đã bán ra gần 3 triệu cp, giảm sở hữu xuống dưới 5% và không còn là công ty liên kết hay cổ đông lớn.

Được biết, cổ phiếu SRC nằm trong con sóng tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm 2014 từ mức giá 17,000 đồng lên mức cao nhất tính đến hiện tại 40,200 đồng nhưng phải đến quý 4/2014 thì VHG mới bắt đầu “lên tàu”. Không chỉ đầu tư thông thường mà VHG còn rất mạnh tay mua vào để biến SRC thành công ty liên kết, tại thời điểm cuối năm 2014, tỷ lệ sở hữu của VHG là 20% vốn. Ngoài ra, HĐQT Công ty cũng không giấu tham vọng M&A tăng tỷ lệ sở hữu tại SRC lên cao hơn nữa để phục vụ cho chiến lược bành trướng lĩnh vực kinh doanh, sản xuất cao su. Lúc bấy giờ, VHG ước tính phần lợi nhuận hằng năm thu về từ việc nắm giữ cổ phần của SRC sẽ đạt trên 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây có vẻ như là một nước cờ vượt tầm tay. Qua gần 2 năm dù đã sở hữu 20% SRC nhưng có lẽ do vấp phải rào cản là cổ đông lớn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem (sở hữu 51% vốn SRC) nên VHG đã không có một cá nhân nào được cử làm đại diện vào HĐQT cũng không tăng tỷ lệ sở hữu lên trên mức mục tiêu vào cuối năm 2014 (20–25%) như mong muốn. Đồng thời, những giao dịch lớn giữ hai bên trong hoạt động kinh doanh cũng không có. Nói một cách khác thì VHG không đạt được một lợi ích kinh tế nào khác với SRC ngoại trừ việc đầu tư tài chính.

Đáng chú ý, ngay sau khi VHG giảm mạnh tỷ lệ sở hữu tại SRC xuống dưới 5% thì HĐQT SRC cũng thông báo sẽ phát hành 8 triệu cp để thưởng cho cổ đông hiện hữu, ứng tỷ lệ 40% từ nguồn quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung. Dự kiến thực hiện trong quý 3/2016. Kế hoạch phát hành cp thưởng thực ra không phải là thông tin mới mà đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của SRC. Cũng tại kỳ Đại hội này, HĐQT SRC đã trình và được cổ đông thông qua dự án xây dựng nhà máy lốp Radial với tổng đầu tư ước tính 3,000 tỷ đồng, trong đó 80% vay Vietinbank và phần còn lại tận dụng vốn tự có.

Với việc HĐQT quyết định thực hiện chia thưởng cp tỷ lệ 40% thì giá SRC đã tăng khá tốt từ mức 32,000 đồng lên 36,000 đồng chốt phiên 26/08. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy dường như VHG đã bán “lúa non” SRC.

Từ sau biến cố đầu ra trong lĩnh vực cáp viễn thông năm 2008, VHG đã nỗ lực chuyển hướng hoạt động kinh doanh, từ bất động sản, đầu tư hạ tầng cho đến trồng và chế biến sản phẩm cao su. Nhưng những kết quả đạt được cho thấy mỗi bước chuyển mình đều thất bại, hiện tại nguồn tiền Công ty đang tập trung vào bất động sản, khoáng sản.

Đổ cả ngàn tỷ vào BĐS, khoáng sản

Soi BCTC quý 2/2016 của VHG cho thấy khoản tiền và tương đương tiền giảm mạnh từ 390 tỷ thời điểm đầu năm xuống 58 tỷ, thay vào đó những khoản tăng mạnh là phải thu ngắn hạn khác, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác. Trong đó, khoản phải thu khác tăng mạnh chủ yếu do phải thu đầu tư CTCP Phát triển Địa ốc Tây Hồ Tây 558 tỷ đồng. Ở hoạt động liên doanh liên kết, VHG có thêm các đơn vị mới là CTCP Grani Phú Yên, CTCP KT & CB Khoáng sản LC, Công ty Thống Nhất và CTCP Phát triển BĐS Tây Hồ Tây, tổng số tiền đầu tư lên đến 448 tỷ đồng. Có thể nhận thấy nguồn tiền hơn 1,000 tỷ đồng của VHG đã được đổ vào các đơn vị bất động sản, khoáng sản. Được biết, CTCP Grani Phú Yên và Công ty Thống Nhất từng là đơn vị liên kết của GTNFoods (HOSE: GTN).

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, HĐQT đã chia sẻ việc đầu tư mở rộng sang bất động sản do lĩnh vực này đang ấm dần lên. Ngoài ra, HĐQT cũng đang cần nhắc một số dự án khác như trồng rau sạch sử dụng công nghệ cao.

Về tình hình hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm cao su tiếp tục mất hút khỏi nguồn thu của VHG khi mà doanh thu chính đến từ kinh doanh thương mại phân bón và hóa chất, nhưng là kinh doanh dưới giá vốn nên bị lỗ gộp 303 triệu đồng. Dẫu vậy, Công ty vẫn có lãi 6.5 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước nhờ lãi tiền gửi cho vay và hưởng cổ tức, lợi nhuận được chia. Thực tế, cùng kỳ năm 2015 lợi nhuận VHG đạt mức cao là nhờ hoạt động chuyển nhượng vốn CTCP Develuyn đem về lợi nhuận 30 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc cộng với việc đầu tư dàn trải nhưng hiệu quả không cao đã khiến giá cổ phiếu VHG rớt về mốc 3,000 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay./.