Sự hồi sinh của TTF

Chuyển động dòng tiền tuần 22-26/08:

Sự hồi sinh của TTF

Mặc dù chỉ được giao dịch trong phiên giao dịch chiều nhưng TTF chính là cổ phiếu được giới đầu tư săn đón nhiều nhất trong tuần giao dịch từ 22-26/08.

Trong tuần giao dịch qua, thanh khoản thị trường trên cả hai sàn sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 102.9 triệu đơn vị/phiên, giảm 10.87% so với tuần giao dịch trước; còn sàn HNX đạt hơn 31 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 13.22%. Điều này có có vẻ đáng ngại trong bối cảnh cả hai chỉ số đều đạt mức tăng khá tốt.

Dòng tiền chỉ đột biến hơn gấp đôi tại 6 mã chứng khoán gồm TTF, PGD, KMR, FID, TIG, DPS. Đặc biệt, TTF được hồi sinh một cách ngoạn mục và trở thành tâm điểm của tuần qua!

Cụ thể, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (22/08), dòng tiền bắt đáy TTF được kích hoạt để kết phiên với khối lượng khớp lệnh lên đến gần 13 triệu đơn vị, ghi nhận lượng khớp lệnh cao nhất của TTF kể từ khi đặt chân lên sàn. Chưa hết, TTF chấm dứt chuỗi 24 phiên giảm sàn liên tục trước đó bằng mức giá trần.

Bất chấp việc không được giao dịch vào phiên sáng, TTF vẫn là cổ phiếu có sứt hút nhất trên sàn, dư mua luôn chồng chất một lượng đáng kể tại mức giá trần. Kết quả là TTF đóng cửa tuần giao dịch với mức tăng 29%, đạt 11,100 đồng/cp và khối lượng giao dịch bình quân hơn 5.2 triệu đơn vị/phiên, tăng hơn 880% so với tuần giao dịch trước.

Giao dịch cổ phiếu TTF từ ngày 19/07

Nhắc lại với TTF, vào ngày 18/07, thông tin cổ đông lớn - CTCP Đầu tư và Xây dựng Tân Liên Phát (Công ty con của Vingroup) ngưng hoán đổi hai khoản vay chuyển đổi hơn 1,200 tỷ đồng thành cổ phiếu do phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng. Sau đó, TTF công bố BCTC hợp nhất quý 2/2016 với khoản lỗ lên đến 1,123 tỷ đồng. Hai đòn giáng mạnh đã làm cho cổ phiếu TTF giảm sàn liên tiếp 24 phiên từ mức 43,600 đồng về 8,100 đồng chốt phiên cuối tuần trước (19/08/2016), mất đi 81% giá trị.

Diễn biến mới nhất trong tuần qua, HĐQT có sự thay đổi với 4 thành viên đến từ Vingroup. Trong đó, bà Vũ Tuyết Hằng nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT VIC nhiệm kỳ 2011 - 2015 kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (VIC). Bà mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc TTF thay ông Võ Trường Thành kể từ ngày 27/05.

Trở lại với giao dịch chung của thị trường trong tuần qua, dòng tiền đầu cơ đã được kích hoạt. Ngoài TTF, còn có KPF, PPI, FIT, KSA, ITC, KDM, PVX, DPS, KHB… Song, vẫn có nhiều mã thuộc nhóm vốn hóa lớn và vừa duy trì được đà tăng của dòng tiền như VCB, MWG, NLG, TDH, HSG, PVI. Riêng VCB là ấn tượng nhất khi giá tăng 7.5% nhờ thông tin chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% và trở thành cổ phiếu tác động mạnh lên đà tăng chỉ số VN-Index trong tuần.

Và như thường lệ, khi dòng tiền đầu cơ được kích hoạt thì nhóm hàng cơ bản suy giảm thanh khoản. Nếu trên HOSE là STB, REE, CSM, GMD, MSN, EVE, BHS… thì trên HNX có VND dẫn đầu mức giảm thanh khoản, tiếp đến là DST, AAA, VCG

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE

 

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX

 

Ngoài ra, TTF, KMR, FID và TEG lọt vào top 20 mã tăng mạnh nhất hai sàn; ngược lại thì PGD và DPS vẫn giảm điểm dù là cổ phiếu có thanh khoản tăng tính bằng lần.

 

 

Lại thêm một tuần giao dịch thất vọng nữa từ khối ngoại trước bối cảnh kỳ công bố danh mục ETF sắp diễn ra vào ngày 02/09. Cụ thể, họ bán ròng trên HOSE với 568.2 tỷ đồng với lực bán ròng tập trung mạnh nhất là ở VIC với 149.8 tỷ đồng; tiếp theo là VNM với 130.2 tỷ đồng, PVD với 107.6 tỷ đồng, MSN với 92.2 tỷ đồng… Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại đạt 45 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở PVS với 20.7 tỷ đồng, BVS với 7.76 tỷ đồng và VND với 4.1 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở VNR và PLC với 6.8 tỷ và 2.7 tỷ đồng./.