Từ vụ gian lận BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ: Đề nghị khoán doanh thu

Từ vụ gian lận BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ: Đề nghị khoán doanh thu

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thay đổi hình thức quản lý các trạm thu phí BOT theo hướng khoán doanh thu nhằm tạo sự minh bạch.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục Đường bộ vừa đề xuất với Bộ GTVT về việc khoán doanh thu cho các trạm thu phí BOT.

Gian dối trong thu phí tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến dư luận bất bình (Nguồn: Giao thông)

Cơ sở của việc khoán doanh thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát của Tổng cục Đường bộ và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hằng năm (căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế). Thời gian khoán là 5 năm/lần. Sau 5 năm, cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.

Lý giải về đề xuất này, đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng nếu thực hiện được, bên cạnh sự minh bạch trong công tác thu phí giao thông, cơ chế khoán còn giúp các nhà đầu tư chủ động hơn.

Đây thực sự là lời giải cho bài toán hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro. Trong trường hợp mức thu vượt khoán là có lãi, nếu dưới mức đó thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra bù vào và sẽ có điều chỉnh ở giai đoạn 5 năm tiếp theo.

“Việc khoán doanh thu chỉ được thực hiện trên kết quả thực của dự án sau khi đã được kiểm toán mức đầu tư, mức thu và thời gian thu phí. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư sẽ phải cùng tính toán lưu lượng xe cũng như dự báo tốc độ tăng trưởng để đưa ra mức khoán hợp lý”, ông Cường giải thích.

Đề xuất khoán thu phí BOT được đặt ra trong bối cảnh có nhiều vấn đề liên quan tới chuyện thu phí chưa minh bạch thời gian gần đây. Thực tế, Tổng cục Đường bộ cũng đã liên tục giám sát các trạm thu phí BOT.

Trong tháng 7-2016, đơn vị này đã có cuộc kiểm tra 10 ngày tại các trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội). Tiếp đó, từ ngày 15-8, tổng cục kiểm tra tại trạm thu phí số 2, Km 82+300 trên Quốc lộ 5 (TP Hải Phòng) do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam quản lý, khai thác. Mới nhất là ngày 21-8, tổng cục bắt đầu giám sát 10 ngày liên tục đối với công tác thu phí tại trạm Đại Yên (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) do Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương quản lý, khai thác.

Qua các đợt kiểm tra, Tổng cục Đường bộ đã chứng minh các trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu gần 2 tỷ đồng/ngày nhưng báo cáo chỉ có 1,2 tỷ đồng/ngày.

Dù đề xuất khoán thu phí BOT nhằm tạo sự minh bạch nhưng khi đưa vào thực tế, nhiều ý kiến cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là hợp đồng đã được Bộ GTVT ký với nhà đầu tư không có điều khoản nào quy định về việc khoán thu.

Ông Cường thừa nhận: “Việc này phải được nhà đầu tư đồng ý thì mới thực hiện được. Cơ quan quản lý nhà nước không thể cứ muốn khoán là khoán mà phải có sự thương thảo, thống nhất giữa các bên. Thậm chí, nếu nhà đầu tư không đồng ý thì cũng không thể triển khai”./.

Hà Giang

Báo tổ quốc