Vì sao các chủ đầu tư có thể “câu giờ”?

Vì sao các chủ đầu tư có thể “câu giờ”?

Tuy có số lượng nhà chung cư (NCC) trên địa bàn vào loại lớn trong cả nước, song hiện nay Hà Nội mới thành lập được gần 200 Ban quản trị NCC, cụm NCC, đạt tỷ lệ khoảng 40% số NCC đã đưa vào sử dụng. Tình trạng đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng trăm nghìn cư dân. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư có thể "câu giờ", dẫn đến việc khó thành lập Ban quản trị NCC?

Khó thành lập ban quản trị

Tháng 12-2012, chung cư Hapulico Complex (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) được chủ đầu tư (CĐT) - Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Hapulico chính thức bàn giao, đi vào sử dụng. Đây là khu chung cư được nhiều người đánh giá là có chất lượng xây dựng tốt, hạ tầng đẹp, nhưng sau gần 4 năm sử dụng, đến nay vẫn chưa thành lập được ban quản trị (BQT). Một khu chung cư với sức chứa hàng chục nghìn cư dân cùng nhiều văn phòng, trung tâm thương mại nên quá trình sinh hoạt, sử dụng không tránh khỏi những vấn đề phát sinh, cần giải quyết. Điển hình là việc cư dân bức xúc trước tình trạng đường đi bị các đơn vị tại trung tâm kinh doanh thuốc chiếm dụng làm nơi dừng, đỗ xe tải xuất - nhập và vận chuyển hàng hóa... Sau ba năm hoạt động, đến tháng 11-2015, CĐT mới phát dự thảo Quy chế bầu BQT và Quy chế hoạt động của BQT để cư dân góp ý. Cứ ngỡ việc tổ chức hội nghị chung cư để bầu ra những người đại diện cho mình sắp thành hiện thực, nhưng từ đó đến nay không thấy triển khai thêm. Sốt ruột, nhiều cư dân tìm hỏi tổ trưởng tổ dân phố thì được biết, do Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ tháng 4-2016 với nhiều quy định mới nên phải dừng lại để chỉnh sửa quy chế cho phù hợp.

Với chung cư 187 phố Tây Sơn do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) làm CĐT; Theo đơn phản ánh của ông Đ.V.C - một cư dân sống trong tòa nhà, NCC này đi vào sử dụng từ năm 2013 nhưng CĐT và UBND phường Quang Trung nhiều lần trì hoãn tổ chức Hội nghị chung cư lần đầu để bầu ra BQT. Đến cuối tháng 10-2015, đại diện UBND phường mới yêu cầu CĐT lựa chọn các ứng cử viên, phối hợp cùng tổ dân phố chuẩn bị tổ chức Hội nghị chung cư lần đầu tiên vào tháng 5-2016. Tuy nhiên, ngay trước ngày hội nghị diễn ra, CĐT bất ngờ ra thông báo dừng tổ chức với lý do: “...Nhiều cư dân liên tục gửi đơn ra UBND phường, thậm chí trực tiếp đến gặp CĐT để phản đối, bày tỏ sự bất tín nhiệm với một ứng cử viên của BQT, do đó UBND phường buộc phải chỉ đạo tạm dừng tổ chức hội nghị”.

... và nguyên nhân sâu xa

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái - Trưởng Văn phòng Luật HILAP, nguyên nhân chủ yếu khiến các CĐT không chịu tổ chức Hội nghị chung cư lần đầu, thậm chí ngăn cản việc thành lập BQT chủ yếu liên quan đến quyền lợi. Việc không thành lập được BQT đồng nghĩa với việc CĐT toàn quyền quản lý vận hành tòa nhà, đặt ra các mức thu, sử dụng phần sở hữu chung - riêng…; và đặc biệt là được toàn quyền quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì NCC với số tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng…

Việc CĐT “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khiến các cư dân phải chịu nhiều hệ lụy: Chất lượng dịch vụ không tương xứng với mức phí, nhiều hạng mục của tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng CĐT từ chối bảo hành. Tranh thủ khoảng thời gian được toàn quyền quản lý, nhiều CĐT tự ý cải tạo, “trồng tầng”, cơi nới, chiếm dụng diện tích sử dụng chung làm nơi kinh doanh hoặc sử dụng vào mục đích riêng… bất chấp việc cư dân phản đối - ông Nguyễn Hồng Thái cho biết.

Theo ông Nguyễn Huy Hùng - chuyên viên Phòng Quản lý nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, với những quy định mới tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, tình trạng trên sẽ cơ bản được giải quyết. Theo Khoản 5, Điều 13, Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 2-4-2016, trường hợp NCC đã có đủ các điều kiện để tổ chức Hội nghị chung cư lần đầu nhưng CĐT không triển khai hoặc tổ chức nhưng không đủ số người tham dự… thì UBND phường có trách nhiệm đứng ra tổ chức. “Quy định này tuy sẽ “thêm việc” cho UBND cấp phường, nhưng khiến cư dân yên tâm bởi không còn bị lệ thuộc vào CĐT trong việc thành lập BQT”. Cũng về vấn đề trên, ông Nguyễn Thạch Toàn - Trưởng BQT chung cư Sunrise Building (90 Trần Thái Tông) cho rằng: Ở nơi nào chính quyền địa phương quan tâm phối hợp và chỉ đạo sát sao, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân thì ở đó công tác quản lý vận hành NCC đạt hiệu quả và được người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, kể từ khi Thông tư 02/2016/TT-BXD ra đời, đến nay UBND thành phố vẫn chưa ban hành quy định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện. Nhiều NCC buộc phải tạm dừng việc thành lập BQT do Thông tư 02 có nhiều điểm mới, trong đó quan trọng là trước khi tổ chức Hội nghị chung cư phải xác lập được hoạt động của BQT theo mô hình Ban chủ nhiệm của hợp tác xã hoặc Hội đồng quản trị của công ty cổ phần… Đây cũng là một trong những "nút thắt" khiến các CĐT có thể "câu giờ", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cư dân đang sống tại những NCC trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Huy Hùng - chuyên viên Phòng Quản lý nhà, Sở Xây dựng Hà Nội:

Việc thành lập BQT tại các NCC là quan trọng và cấp thiết, bởi đây là cầu nối giữa cư dân với chính quyền địa phương, CĐT và đơn vị quản lý vận hành trong quản lý, vận hành khai thác các thiết bị sử dụng chung, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… tại các NCC. Trong số trên 643 chung cư tại Hà Nội, từ NCC thấp nhất cao 2 - 3 tầng đến NCC cao nhất là 72 tầng có sức chứa từ vài chục đến cả nghìn căn hộ hay các dự án lớn như Times City, Royal City, chung cư HH Linh Đàm… lên tới hàng chục nghìn cư dân, tương đương dân cư của vài phường, nếu không thành lập BQT đồng nghĩa với việc cư dân không có tiếng nói và dễ bị CĐT “xử ép”./.

hà nội mới