Doanh nghiệp bia chịu trận vì cách hành xử “đá” nhau của thuế và kiểm toán

Doanh nghiệp bia chịu trận vì cách hành xử “đá” nhau của thuế và kiểm toán

Trong khi cả HabecoSabeco đều thực hiện tính thuế và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế thì Kiểm toán Nhà nước lại bắt hai doanh nghiệp này phải hồi tố và truy thu hơn 1.247 tỷ đồng thuế TTĐB.


Dây chuyền đóng chai của Habeco

Với cách hành xử “đá lẫn nhau” của các cơ quan nhà nước như vậy, người chịu thiệt hại chính là doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi sâu về vấn đề quyền lợi thì Nhà nước lại chính là đối tượng phải chịu thiệt lớn nhất. Bởi vì, hiện nay Nhà nước đang nắm 82% vốn tại TCty CP Rượu bia nước giải khát Hà Nội (Habeco) và 89% vốn tại TCty CP Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, 2 TCty này sẽ phải bán hết phần vốn trong năm nay hoặc muộn nhất là năm sau. Với một quyết định truy thu thuế khó hiểu như vậy, chắc chắn việc bán phần vốn Nhà nước tại hai TCty trên sẽ phải chịu thiệt hại lớn hơn gấp nhiều lần số thuế truy thu.

Ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, việc hồi tố “vô lối” của các cơ quan Nhà nước mang nặng tính áp đặt và cửa quyền. Không thể có chuyện hôm nay Tổng cục Thuế hướng dẫn doanh nghiệp cách tính thuế và nộp thuế thế này rồi mai thấy kiểm toán nói khác thì lại bắt doanh nghiệp phải nộp thuế được.

“Cách làm của Kiểm toán Nhà nước còn vô lý hơn khi bắt doanh nghiệp phải hồi tố truy thu thuế TTĐB từ năm 2012 – 2015. Trong khi, pháp luật về thuế TTĐB và quy định hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/1/2016”, – ông Cương bức xúc.

Kiểm toán Nhà nước đã truy thu thuế TTĐB năm 2013 đối với Sabeco gần 409 tỷ đồng, truy thu thuế TTĐB từ năm 2015 đến tháng 9/2015 của Habeco hơn 838 tỷ đồng. Lý do truy thu “giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của công ty cổ phần thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Cty TNHH một thành viên thương mại Sabeco”. Còn đối với Habeco “giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của công ty bao tiêu sản phẩm, không phải là giá bán ra tại công ty mẹ”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như tinh thần chung của pháp luật là không hồi tố. Việc hồi tố chỉ được thực hiện khi điều luật đó có lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nếu các cơ quan cứ cố tình ép thu thuế của doanh nghiệp như vậy thì vấn đề còn là sự mất lòng tin của hơn nửa triệu doanh nghiệp. Truy thu thuế, nhà nước chỉ bỏ từ túi nọ sang túi kia.

Doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước bình đẳng trong các quan hệ. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp không sai mà vẫn ép họ bị truy thu thuế. Còn cơ quan thuế lúc hướng dẫn doanh nghiệp thế này, sau lại bắt họ nộp thế kiểu khác là sai và phải có người chịu trách nhiệm. Kiểm toán Nhà nước cũng vậy, hồi tố những quy định chưa có hiệu lực pháp luật là sai và phải chịu trách nhiệm. Luật sư Đức cho rằng, các cơ quan nói trên phải kiểm điểm lại trách nhiệm từng cá nhân và tập thể để lấy lại niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cứ để xảy ra tình trạng tiền hậu bất nhất của các cơ quan Nhà nước. Các nhà đầu tư luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tính thống nhất của pháp luật và những rủi ro chính sách từ các cơ quan quản lý Nhà nước./.

dđdn