Lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco như thế nào?

Lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco như thế nào?

Dự kiến đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81.79%), tương đương 9,000 tỷ đồng trong năm 2016. Thoái vốn tại Sabeco được đề nghị theo lộ trình làm 2 đợt, đợt 1 bán 53.59% vốn điều lệ, tương đương 24,000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16,000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco niêm yết.

* Thủ tướng: Chống ‘lợi ích nhóm’ khi bán vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco

* Buông 12 “ông lớn”, nhà nước có ngay 7 tỉ USD

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, có thể nói vấn đề cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước không nắm giữ là vấn đề rất quan trọng. Sau khi cổ phần hóa, yêu cầu tất cả các DN phải niêm yết trên sàn chứng khoán.

Riêng với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (BHN), hiện nay hai DN này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là trách nhiệm của hai DN không thực hiện đúng tinh thần của luật, ông Mai Tiến Dũng cho biết. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu hai công ty phải niêm yết ngay trên sàn chứng khoán, Thủ tướng chỉ đạo phải làm ngay để tạo minh bạch về tài chính và có sự giao dịch trên sàn, lấy giá giao dịch đó để dẫn chiếu, nghiên cứu thêm. Đấy không phải là giá sàn để đấu giá nhưng có thể dẫn chiếu, xem xét, nghiên cứu thêm. Như vậy, việc đó có thể minh bạch rất nhiều, công khai minh bạch tài chính, khả năng về sức mua và khả năng bán của DN. Nếu hỏi có phải niêm yết hay không thì bắt buộc phải niêm yết chứ không phải có hay không có. Còn những việc chưa làm được thì Chính phủ, Thủ tướng đã kết luận rút kinh nghiệm cho các bộ quản lý.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, liên quan đến việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, cổ đông và phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị trước khi thực hiện việc thoái vốn, tổ chức thuê tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, thẩm định giá trị cổ phiếu của hai công ty làm căn cứ để thoái vốn theo quy định.

Bộ Công thương cũng cung cấp thêm thông tin về hai doanh nghiệp này. Cụ thể, tại Habeco, trước đây là doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng Nhà nước nắm giữ 81.79% vốn điều lệ, người lao động giữ 0.56% và các cổ đông khác giữ 1.88%, nhà đầu tư chiến lược Carlsberg sở hữu 15.77% nhưng Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bán thêm 5.77% cho nhà đầu tư chiến lược này. Về Sabeco, cổ phần do Nhà nước hiện nắm giữ là 89.59% vốn điều lệ.

Do quy mô vốn của Habeco và Sabeco khác nhau nên Bộ Công thương đã trình lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp cũng khác nhau. Dự kiến đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81.79%) tương đương 9,000 tỷ đồng trong năm 2016. Đối với Sabeco do vốn lớn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm 2 đợt, đợt 1 bán 53.59% vốn điều lệ, tương đương 24,000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16,000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Về giá bán, sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm và có thể là tư vấn nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thẩm định giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này tại thời điểm bán làm căn cứ công bố giá khởi điểm trước khi thực hiện đấu giá. Trong trường hợp Habeco và Sabeco đã niêm yết, có thể lấy giá giao dịch trên sàn để tham chiếu khi xem xét xác định giá khởi điểm để đấu giá.

Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Habeco và Sabeco thực hiện niêm yết cổ phiếu theo đúng quy định pháp luật, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay mới họp và có chỉ đạo nhưng vẫn phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Công Thương sẽ triển khai các công việc để thực hiện thoái vốn. Cụ thể là thuê tư vấn trong và ngoài nước để tổ chức thẩm định giá trị cổ phiếu, xây dựng phương án thoái vốn, tổ chức thoái vốn theo đúng quy định pháp luật và tinh thần của Chính phủ là công khai, minh bạch theo đúng cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết thêm, Quyết định 51/2014 ban hành ngày 15/09/2014 về thoái vốn và bán cổ phần doanh nghiệp, giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán quy định rõ những doanh nghiệp nào phải niêm yết. Sau khi cổ phần hóa, trong phạm vi 90 ngày phải rà soát và làm thủ tục đăng ký công ty đại chúng. Nếu đủ điều kiện, sau 1 năm cổ phần hóa, phải chuẩn bị các điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, phải đủ điều kiện mới được niêm yết. Hiện nay việc niêm yết cũng là quy định bắt buộc nên các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và các cơ quan chủ quản phải đẩy mạnh đôn đốc để doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng quy định./.