Tìm kiếm lời giải cho việc tiếp cận vốn trong tín dụng nông nghiệp nông thôn?

Tìm kiếm lời giải cho việc tiếp cận vốn trong tín dụng nông nghiệp nông thôn?

Tại diễn đàn Chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn – thực trạng và giải pháp tổ chức ngày 29/09, nhiều vấn đề liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn và các chính sách tín dụng trong hoạt động nông nghiệp đã được đưa ra thảo luận.

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, hiện nay hệ thống tín dụng nông nghiệp nông thôn (NNNT) bao gồm khu vực chính thức (các ngân hàng thương mại, VBRAD, VBSP, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô) và khu vực phi chính thức (các tín dụng nội bộ Hợp tác xã (HTX), tín dụng ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội và tín dụng ủy thác qua các tổ chức quốc tế và NGOs…).

Theo ông Thịnh, mặc dù trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, nhưng tỷ trọng vốn tín dụng NNNT vẫn rất thấp. Tính đến tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng NNNT chỉ đạt 886 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong số 38% hộ nông lâm thủy sản có vay tín dụng, chỉ 1/3 được vay vốn ngân hàng và có 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ nông nghiệp không tiếp cận được vay vốn. Nguyên nhân là bởi rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp ở mức cao, trong khi lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp; sản xuất quy mô nhỏ, manh mún nên các ngân hàng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế của tín dụng NNNT như cơ cấu vốn vay của các NHTM chưa phù hợp, chưa hình thành được hệ thống quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho NNNT; trong khi đó, các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu, hoạt động cho vay theo tổ nhóm và hợp tác xã còn hạn chế, mô hình cho vay theo chuỗi chưa phát huy được hiệu quả.

Từ những bất cập còn tồn tại, ông Thịnh cho biết cần phải điều chỉnh linh hoạt lãi suất tín dụng phi chính thức, đẩy mạnh đào tạo chuyên môn, thành lập các quỹ ủy thác tín dụng nhà nước. Song song với đó, cần điều chỉnh thời hạn, hạn mức vay tín dụng để phù hợp với từng chu kỳ sản xuất nông nghiệp ứng với mỗi sản phẩm nông nghiệp khác nhau; đồng thời đơn giản hóa điều kiện và thủ tục vay, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hiệu quả.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Yoshihara Kiyotsugu, đại học Kyoto, Nhật Bản nêu ra một thực trạng rằng, các quỹ tín dụng tại Nhật Bản chỉ hoạt động trên một địa phương nhất định và tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dựa trên nguyên tắc “cùng hỗ trợ lẫn nhau” trên tinh thần phi lợi nhuận. Trong khi đó, tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng lại được phân theo ngành (công thương, nông nghiệp, hàng hải…) với quy mô khá đa dạng và vẫn còn nhắm tới yếu tố lợi nhuận.