Dầu trượt dốc 2 phiên liền khi nhà đầu tư nghi ngờ kế hoạch “đóng băng” sản lượng

Dầu trượt dốc 2 phiên liền khi nhà đầu tư nghi ngờ kế hoạch “đóng băng” sản lượng

Dầu WTI vẫn dao động trên mốc 50 USD/thùng trong 3 phiên liên tiếp

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm sút vào ngày thứ Tư khi nhà đầu tư nghi ngờ về sự sẵn lòng cắt giảm sản lượng của Nga và sản lượng từ các thành viên OPEC tăng cao, qua đó khiến giá dầu sụt giảm 2 phiên liên tiếp, MarketWatch đưa tin.


Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex hạ 61 xu (tương ứng 1.2%) xuống 50.18 USD/thùng sau khi mất 1.1% trong ngày thứ Ba.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn London lùi 60 xu (tương ứng 1.1%) xuống 51.81 USD/thùng.

Sản lượng dầu tăng cao trong lúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang đàm phán với Nga, một nhà sản xuất ngoài OPEC, về các biện pháp nhằm xoa dịu tình trạng dư cung và ổn định giá dầu. Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã bày tỏ sự ủng hộ tới thỏa thuận “đóng băng” sản lượng. Tuy nhiên, nhiều hãng tin khác cho hay Igor Sechin, người đứng đầu công ty năng lượng Rosneft và cũng là nhà sản xuất lớn nhất tại Nga, đang tỏ ra “lạnh nhạt” với thỏa thuận này.

Việc Nga không cam kết rõ ràng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang khiến nhà đầu tư nghi ngờ về thỏa thuận sơ bộ của các thành viên OPEC. Điều kiện chính cho đợt cắt giảm sản lượng chính là Nga cũng phải tuân thủ theo thỏa thuận này.

Trong ngày thứ Tư, báo cáo định kỳ từ OPEC cho thấy sản lượng từ các nước thành viên tăng 220,000 thùng/ngày lên 33.39 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2016, cao hơn cả con số tăng 160,000 thùng/ngày lên 33.64 triệu thùng/ngày từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Theo EIA, nguồn cung dầu trên toàn cầu trong tháng 9/2016 chạm mức 97.2 triệu thùng, cao hơn 600,000 thùng so với tháng 8/2016 và cao hơn 200,000 thùng so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy phần lớn đà tăng xuất phát từ Nga.

Trong khi đó, một báo cáo từ Platts được công bố trong ngày thứ Tư cho thấy, trong tháng 8/2016, nhu cầu dầu từ Trung Quốc giảm 4.3% xuống 10.76 triệu thùng/ngày.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 11 hạ 2.1 xu (tương ứng 1.4%) và hợp đồng dầu sưởi giao tháng 11 mất 2.1 xu (tương ứng 1.3%) còn 1.567 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 11 khép phiên tại 3.21 USD/thùng, giảm 2.7 xu (tương ứng 0.8%)./.