DCS: Dự án Phú Thượng sẽ thôi trễ hẹn?

DCS: Dự án Phú Thượng sẽ thôi trễ hẹn?

Dự án Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội (dự án Phú Thượng) của CTCP Tập đoàn Đại Châu (HNX: DCS) đầu tư từ năm 2010 và đã huy động hơn 220 tỷ đồng để thực hiện nhưng vẫn trễ hẹn cho đến nay.

CTCP Tập đoàn Đại Châu (HNX: DCS) có vốn điều lệ hơn 603 tỷ đồng, được thành lập từ năm 2000 và hoạt động trong lĩnh vực buôn bán từ liệu sản xuất, tư liệu dùng; kinh doanh khách sạn, dịch vụ ăn uống; xây dựng dân dụng, giao thông…

Theo kế hoạch được đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, dự án Phú Thượng của DCS có tổng mức đầu tư hơn 597 tỷ đồng, với tổng diện tích xây dựng gần 32,000 m2, gồm 16 tầng với 5 tầng dịch vụ; trong đó tổng diện tích bán hàng là 22,000 m2. Chia sẻ bên lề đại hội khi đó, Chủ tịch HĐQT Đường Đức Hóa cho biết, theo ước tính, mức lợi nhuận của dự án có thể đạt được từ 5-10% giá trị đầu tư. Mức giá bán dự tính của DCS với dự án này là 26 triệu đồng/m2 đối với căn hộ chưa có nội thất và 32 triệu đồng/m2 đối với căn hộ đầy đủ nội thất.

Khoảng một năm sau, tại kỳ ĐHĐCĐ năm 2016, khi đề cập lại dự án trên, lãnh đạo DCS cho biết, dự án được manh nha từ năm 2010, tuy nhiên 2 năm sau đó, thị trường bất động sản khó khăn khiến công ty chưa thể thực hiện. Năm 2015, DCS tái khởi động dự án nhưng vẫn vướng thủ tục (số yêu cầu chặt chẽ hơn của Nhà nước vì ảnh hưởng của dự án 8B Lê Trực và một số dự án khác) khiến công trình tạm thời dừng lại để hoàn thiện hồ sơ. Ban lãnh đạo DCS dự kiến tháng 6/2016 sẽ tiến hành chào bán dự án và hoàn thành xong vào năm 2017.

Kế hoạch là vậy nhưng cho đến nay, đã qua nửa năm, tiến độ dự án đã một lần nữa trật khỏi “đường ray”. Theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2016, kiểm toán viên cho biết, dự án Phú Thượng vẫn chưa được triển khai.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 9 vừa qua, một chuyển biến đáng ghi nhận tại DCS là việc đã nhận được giấy phép xây dựng dự án Phú Thượng (DCS Tower), kỳ vọng sẽ chấm dứt được chuỗi ngày trễ hẹn nhiều năm qua?

Một số hình ảnh của dự án Phú Thượng hiện nay (tháng 10/2016)

 

Khó hiểu từ chuyện huy động vốn đến quyết định của cổ đông chiến lược

Quay lại tháng 8/2014, xác định khởi động lại dự án sau nhiều năm đắp chiếu, DCS đã huy động vốn để thực hiện dự án thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 620.5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến phát hành hơn 1.7 triệu cp theo chương trình ESOP và chào bán 22 triệu cp cho cổ đông chiến lược với mức giá 10,000 đồng/cp.

Cần lưu ý rằng mức giá phát hành tại thời điểm đó cao hơn nhiều so với thị giá DCS trên thị trường chỉ quanh mức 6,000 đồng/cp nhưng DCS đã phát hành thành công 22 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược và thu về 220 tỷ đồng.

Những nhà đầu tư “hảo tâm” chấp nhận bỏ ra số tiền gần gấp đôi thị giá trên thị trường bao gồm: CTCP Khoáng Sản Luyện Kim Màu (HNX: KSK) mua 10 triệu cổ phần (tương ứng 16.58% vốn); CTCP Chứng khoán VSM (OTC: VSM) mua 10 triệu cp (16.58% vốn) và một cá nhân là bà Phạm Thị Hằng đã mua 2 triệu cổ phần (3.32% vốn). Cả ba cổ đông này đều có những mối liên hệ đến nhau thông qua một cá nhân khác là bà Phạm Thị Hinh. Sau khi ôm trọn 22 triệu cp, nhóm nhà đầu tư đã sở hữu trong tay gần 36.5% vốn của DCS.

Mối quan hệ của 3 nhà đầu tư chiến lược xét tại khoảng thời gian DCS phát hành tăng vốn

Tuy nhiên, mối nhân duyên giữa nhóm cổ đông này với DCS lại không bền chặt theo đúng nghĩa của một quan hệ giữa “nhà đầu tư chiến lược với doanh nghiệp”. Chỉ sau 1 năm, khi thời gian hạn chế chuyển nhượng kết thúc, 2 tổ chức trong nhóm nhà đầu tư trên đã công bố thông tin bán đi toàn bộ 20 triệu cp, tỷ lệ 33.16%, và rút toàn bộ vốn khỏi DCS (tương ứng trên thị trường xuất hiện hai phiên có giao dịch thỏa thuận cùng khối lượng cổ phiếu với mức giá 3,200 đồng/cp). Đến cuối tháng 8/12/2015, một giao dịch thỏa thuận 2 triệu cp DCS với giá 3,500 đồng/cp đã được thực hiện, cũng tương ứng với khối lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư chiến lược Phạm Thị Hằng mua vào (bà Hằng không thuộc diện phải công bố thông tin).

Việc thoái vốn ngay sau khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu, phần nào cho thấy nhóm cổ đông liên quan tới bà Hinh dường như không mấy mặn mà với việc gắn bó lâu dài với DCS. Như vậy, liệu việc chi tới 220 tỷ, gấp đôi so với thị giá cổ phiếu DCS trên thị trường và bán lại với mức giá chỉ quanh ngưỡng 3,500 đồng/cp thực sự phản ảnh điều gì?!

Liên quan đến đợt phát hành đã được thông qua này còn chương trình ESOP hơn 1.7 triệu cp, tuy nhiên có vẻ như DCS đã “quên lãng mất”.