Dự toán bội chi ngân sách 2017 khoảng 3.5% GDP

Dự toán bội chi ngân sách 2017 khoảng 3.5% GDP

Với một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2017, Chính phủ đã xác định, cân đối thu, chi ngân sách nhà nước bao gồm tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến đạt gần 1,200 ngàn tỷ đồng; tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2017 khoảng 1,378 ngàn tỷ đồng. Do đó, bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 ước tính 178.3 ngàn tỷ đồng, bằng 3.5% GDP.

Cụ thể, về cân đối vốn đầu tư phát triển, dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2017 khoảng 1,607 ngàn tỷ đồng, bằng khoảng 31.5% GDP, bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước khoảng 352 ngàn tỷ đồng, chiếm 21.9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 67 ngàn tỷ đồng, chiếm 4.2%; vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp Nhà nước khoảng 130 ngàn tỷ đồng, chiếm 8.1%; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 750 ngàn tỷ đồng, chiếm 46%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 303 ngàn tỷ đồng, chiếm 18.9%; các khoản vốn huy động khác khoảng 5 ngàn tỷ đồng, chiếm 0.3%.

Về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2017 dự kiến ký kết khoảng 4.7 tỷ USD, giải ngân khoảng 5-5.2 tỷ USD. Số vốn giải ngân được cân đối một phần vào ngân sách Nhà nước, một phần cho vay lại thông qua các tổ chức tài chính.

Theo đó, trong nhóm các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra, Chính phủ vẫn xác định trong năm 2017, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, tạo cơ sở phát triển bền vững. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác để ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Công khai, minh bạch các khoản chi. Bảo đảm thu đúng, thu đủ theo pháp luật thuế và ngân sách nhà nước, chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Nhóm giải pháp tiếp theo được Chính phủ xác định đó là thực hiện rộng rãi cơ chế đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ trong lĩnh vực sự nghiệp công. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường năng lực giám sát tài chính quốc gia, thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Chuyển dần vốn ODA cấp phát sang cơ chế cho vay lại đối với tất cả các dự án có thể thu hồi vốn. Tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công./.