Phải chăng đây là hồi kết của cách đầu tư truyền thống?

Phải chăng đây là hồi kết của cách đầu tư truyền thống?

Một cơn địa chấn đang diễn ra trong hoạt động đầu tư và điều này có thể đặt dấu chấm hết cho cách thức quản lý tiền truyền thống, hãng tin CNNMoney cho biết.

Hiện nhà đầu tư đang đổ vốn vào những quỹ đầu tư thụ động, những quỹ theo sát các chỉ số thị trường một cách “mù quáng” thông qua máy tính.

Đây rõ ràng là một sự chuyển biến trong hoạt động đầu tư, nhưng đổi lại cách quản lý truyền thống thông qua con người, hay còn gọi là những nhà quản lý quỹ, thì lại dần dần bị đào thải ra khỏi thị trường. Theo cách quản lý truyền thống, những nhà quản lý quỹ sẽ cố gắng chọn ra những cổ phiếu mà họ nghĩ là có thể “đánh bại” được thị trường.

Xu hướng này được thể hiện khá rõ tại Mỹ, nơi có tới 28% lượng tài sản được đầu tư vào các quỹ thụ động, cao hơn rất nhiều so với mức 13% trong năm 2008, dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Morningstar cho thấy.

Kể từ đầu năm 2015, các nhà đầu tư tại Mỹ đã rót tổng cộng 671 tỷ USD vào các quỹ thụ động, đồng thời rút 257 tỷ USD khỏi những quỹ đầu tư năng động, vốn được điều hành bởi các nhà quản lý quỹ.

Trong tuần này, Giám đốc điều hành của Prominent BlackRock, Larry Fink, dự báo những thay đổi về mặt pháp lý sẽ góp phần khuyến khích các nhà đầu tư rót vốn vào các quỹ thụ động.

Ông Larry cho biết: “Có khả năng, chúng ta sẽ chứng kiến một sự “đổi mới” mang tính lịch sử trong cách thức quản lý quỹ. Dần dần, các quỹ đầu tư thụ động sẽ chiếm vai trò chủ chốt trong danh mục của nhà đầu tư”.

Chỉ trong quý 3/2016, các quỹ giao dịch hoán đổi thụ động, hay còn gọi là các quỹ ETF, tại công ty BlackRock đã nhận được 51 tỷ USD ròng, trong khi các quỹ năng động chỉ thu về gần 5 tỷ USD.

Mặc dù có rất nhiều cám dỗ dẫn dắt nhiều người đổ vốn vào các công ty quản lý quỹ hàng đầu với lời hứa sẽ “đánh bại” được thị trường, nhưng nghiên cứu đã cho thấy chiến lược này thường đem lại lợi nhuận thấp hơn cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân chính dẫn tới thành quả ảm đạm của các quỹ năng động xuất phát từ chi phí đầu tư. Các quỹ năng động thường đòi hỏi chi phí đầu tư quá cao so với quỹ thụ động. (Đơn giản thôi, các thuật toán máy tính thì làm gì có gia đình mà cần phải chăm sóc).

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chiến lược thị trường cảnh báo rằng hoạt động đầu tư vào các quỹ thụ động sẽ dần trở nên “đông đúc” hơn khi có quá nhiều người đặt niềm tin vào xu hướng trên thị trường.

Mike O’Rourke, Trưởng bộ phận hoạch định chiến lược thị trường tại JonesTrading, cho hay: “Mặc dù các quỹ chỉ số và ETF đem lại giá trị ‘khổng lồ’ như là một phần của thị trường. Tuy nhiên, các quỹ này không cần thiết phải trở thành một thị trường riêng biệt. Nếu đây là cách tiếp cận duy nhất của nhà đầu tư đến thị trường thì điều này chỉ cho thấy nhà đầu tư đang theo đuổi một thứ ‘rất tầm thường”./.