Thêm một cổ đông lớn thoái vốn, VNE đã đánh mất niềm tin?

Thêm một cổ đông lớn thoái vốn, VNE đã đánh mất niềm tin?

Hai cổ đông lớn từng mua lượng lớn cổ phiếu của Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam , sau khi SCIC thoái vốn hồi đầu năm 2015, đều đã có động thái giảm sở hữu tại doanh nghiệp này trong thời gian gần đây.

Vừa qua, CTCP Khải Toàn là 1 trong số những cổ đông lớn của VNE hiện tại đã bán đi 3 triệu cp giảm sở hữu xuống còn 12.64% tương đương hơn 10.4 triệu cp. Trước đó, CTCP Bảo Phước - cổ đông từng nắm giữ 12.48% vốn VNE, cũng đã bán đi 5 triệu cp và giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn gần 4.6% và không còn là cổ đông lớn.

Cần nhắc lại rằng, 2 doanh nghiệp kể trên đều đã mua vào lượng lớn cổ phiếu VNE, sau khi SCIC thoái toàn bộ gần 30% vốn tại VNE vào đầu năm 2015. Khi đó, CTCP Khải Toàn đã mua về gần 11 triệu cp VNE tương đương với tỷ lệ 17.17% vốn và CTCP Bảo Phước đã mua về gần 8 triệu cp, tương đương tỷ lệ 12.48%. Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp khác cũng góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của VNE là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam sở hữu 7.89% vốn và PYN ELITE FUND sở hữu 8.76% vốn. Trong khoảng thời gian này, thị giá của cổ phiếu VNE luôn dao động ở mức 13,000 đồng/cp.

Tuy nhiên, sau đợt thoái vốn thành công của SCIC, kể từ đầu năm 2016 đến nay, giá cổ phiếu VNE lại liên tục tuột dốc khiến cả 2 cổ đông lớn nhất của VNE lần lượt muốn rời bỏ VNE sau hơn 1 năm rót vốn.

Thị giá cổ phiếu VNE từ đầu năm 2015 đến nay

Giữa tháng 5/2016, CTCP Bảo Phước thông báo đăng ký bán đi 5 triệu cp VNE giữa lúc thị giá của VNE đang quanh mức 10,000 đồng/cp và giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 4.56%. Sau đó vào giữa tháng 7, khi thị giá cổ phiếu rơi xuống quanh mức 9,000 đồng/cp, CTCP Khải Toàn đã đăng ký bán đi hơn 6.2 triệu cp VNE. Tuy nhiên sau gần 1 tháng giao dịch, Khải Toàn chỉ bán được vỏn vẹn 815,000 cp và tiếp tục sở hữu hơn 13.4 triệu cp VNE, tương đương tỷ lệ 16.28%.

Đến đầu tháng 10 vừa qua, dường như "sốt ruột" với việc thị giá cổ phiếu VNE liên tục sụt giảm xuống mức chỉ còn quanh mốc 6,000 đồng/cp, CTCP Khải Toàn tiếp tục đăng ký bán 3 triệu cp, với hy vọng giảm sở hữu xuống còn 12.64% vốn. Và đến ngày 12/10 vừa qua Khải Toàn thông báo đã hoàn tất giao dịch trên.

Niềm tin đã mất?

Nhìn lại kết quả kinh doanh của VNE trong 2 quý đầu của năm 2016, có lẽ phần nào sẽ tìm được câu trả lời cho động thái của 2 cổ đông lớn trên. Tính riêng trong quý 1, VNE đã lỗ ròng hơn 15.4 tỷ đồng và tiếp tục lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý 2/2016.

KQKD của VNE trong 6 quý gần đây (đơn vị tính: triệu đồng)
KQKD 2 quý đầu năm 2016 của VNE tụt giảm mạnh so với các quý trước đó

Trong nửa đầu năm 2016, VNE chỉ đạt doanh thu gần 292.6 tỷ đồng, giảm gần 46% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, chi phí quản lý và chi phí bán hàng vẫn tăng, khiến VNE chịu khoản lỗ thuần hơn 12.7 tỷ đồng. Thêm vào đó, VNE còn phải chịu khoản lỗ khác gần 12 tỷ đồng từ việc xử lý hàng tồn kho tại CTCP ĐT & XD Điện Mêca Vneco - trước là Công ty con, VNE sở hữu 70% vốn (hiện tại VNE đã giảm sở hữu còn 47.7%), khiến VNE chịu khoản lỗ ròng lên tới hơn 24.5 tỷ đồng (cùng kỳ 2015 lãi gần 46 tỷ đồng).

Theo lý giải từ phía VNE,  trong 6 tháng đầu năm do các công trình không giải phóng được mặt bằng thi công (như Đz 220 kV Cầu Bông - Hóc Mông- Rẽ Bình Tân; Đz500kV Long phú- Ô Môn...), đồng thời các hạng mục lắp dựng cột, kéo rài căng dây lại phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị... dẫn đến việc doanh thu sụt giảm. Bên cạnh đó, chi phí khác trong kỳ cũng tăng mạnh do phải xử lý hàng tồn kho tại VES. 

Với kết quả ghi nhận được sau nửa năm 2016, toàn bộ kế hoạch mà VNE vạch ra trở nên "xa vời". Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, VNE đặt kế hoạch doanh thu cả năm 975 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với năm 2015. Trong khi, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng trưởng 57%, sẽ đạt mức140 tỷ đồng và chi cổ tức 10%.

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo cho biết, quý 1/2016 đạt kết quả không tốt là do công ty phải đầu tư thêm nhân lực tài chính cho dự án công trình 220kv Xekaman 1 - Pleiku 2 bởi tính trọng điểm và yếu tố chính trị của dự án. Bên cạnh đó, vì thời gian nghỉ Tết dài và các hoạt động bầu cử Quốc hội, khiến dự án bị chậm trễ. Tuy nhiên, đến quý 2 mặc dù kết quả có cải thiện hơn so với quý 1, nhưng VNE vẫn chưa thể thu được đồng lãi nào (lỗ ròng gần 7 tỷ đồng)./.