20 năm chứng khoán Việt và “thời điểm khó khăn nhất”

20 năm chứng khoán Việt và “thời điểm khó khăn nhất”

“Khi đã đối mặt và vượt qua những thời điểm gian nguy nhất của cuộc khủng hoảng 2007-2008 thì những biến cố của thị trường sau đó không có gì ghê gớm”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nhìn lại những thăng trầm của ngành chứng khoán Việt Nam trong 20 năm qua.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng.

Ngành chứng khoán Việt Nam có một ngày truyền thống là 28/11, lấy theo ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (28/11/1996).

VnEconomy đã có dịp ôn lại những dấu ấn của 20 năm với ông Vũ Bằng, một trong những người đã gắn bó từ những ngày đầu với ngành chứng khoán trong nước, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng thị trường.

Thận trọng, vừa sức

20 năm tuổi của ngành chứng khoán và 16 năm tuổi của thị trường mới chỉ là tuổi chớm trưởng thành, nhưng rõ ràng những gì có ngày hôm nay là một bước tiến đáng kể. Từ chỗ ban đầu thị trường khớp lệnh 1 lần/ngày và 3 ngày/tuần với duy nhất 2 cổ phiếu, nay đã có gần 1.000 công ty giao dịch trên các sàn khác nhau và vài tháng nữa sẽ có thêm thị trường phái sinh. Theo ông, những bước tiến đó trong vòng 20 năm qua là nhanh hay chậm, có đúng lộ trình định hướng phát triển ban đầu?

Có một chuyện ít người được biết, đó là những ngày đầu tiên mở cửa thị trường, chúng tôi dự kiến khớp lệnh 3 lần/ngày và làm cả tuần.

Tuy nhiên ngay trước ngày chính thức giao dịch, tôi đề xuất điều chỉnh vì không đủ hàng hóa, rút xuống chỉ 1 lần khớp lệnh và 1 tuần chỉ 3 phiên. Đến giờ tôi vẫn nhớ và giữ văn bản kiến nghị đó như một kỷ niệm.

Sau 16 năm, đến giờ ta đã có giao dịch từ xa, khớp lệnh liên tục, các loại lệnh khác nhau và đang triển khai thị trường phái sinh. Tôi cho rằng 20 năm như vậy thực ra là phát triển nhanh.

Tuy nhiên tôi quan niệm rằng, vẫn nên phát triển thận trọng, vừa sức và mục tiêu trước hết là an toàn và bền vững. Thị trường phái sinh sẽ mở vào năm 2017, ban đầu cũng chỉ là tập dượt trong khoảng 5 năm. Thị trường cơ sở là cổ phiếu cũng phải mất chừng 5 năm mới có thể vận hành trơn tru được. Các sản phẩm phái sinh ban đầu đều là đơn giản, phát triển dần từ thấp lên cao.

Thực ra trong mô hình thị trường, hướng đi từ những ngày đầu thì các nét lớn đều đã có. Chẳng hạn ngay từ đầu vấn đề thành lập hai trung tâm giao dịch chứng khoán - sau nâng cấp thành hai sở giao dịch - ở hai miền được coi là bước đi tập dượt để giai đoạn sau sẽ tiến lên mô hình “1 sở 2 sàn” như thông lệ quốc tế. Hay trung tâm lưu ký ngay từ đầu đã được xác định sẽ thực hiện thanh toán giao dịch cho cả thị trường phái sinh…

Với thị trường, chúng ta hình dung một bức tranh cơ sở ban đầu về thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phái sinh. Khi phát triển hơn nữa thị trường phái sinh sẽ đa dạng hơn như sản phẩm phái sinh với vàng, hàng hóa, lãi suất… thì đó sẽ là bức tranh hoàn chỉnh.

Nhớ lại những ngày đầu, công tác vất vả nhất là tạo hàng, vì thời điểm năm 2000 chỉ có các doanh nghiệp nhỏ cổ phần hóa, và cũng không ai quan tâm tới việc lên sàn niêm yết. Khi tiếp xúc, hầu hết doanh nghiệp nghe trình bày là từ chối ngay, vì thấy quá phức tạp, phải công bố thông tin, thuế và nhiều quy định mới.

Tôi vẫn nhớ lúc mở cửa thị trường, hàng quá ít nên phải gặp gỡ các đại diện UBND địa phương, trọng tâm là Tp.HCM và Hà Nội. Những buổi làm việc cũng nói tới ích lợi thị trường, tính minh bạch, khả năng huy động vốn, tuy nhiên phản hồi là một câu nói mà tôi nhớ mãi: mặc dù thị trường chứng khoán có nhiều lợi ích, nhưng qua nhiều năm bao cấp, doanh nghiệp vẫn quá rụt rè, dù giờ mở cửa cũng không muốn ra!

Đến giờ, đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký, niêm yết cổ phiếu trên sàn và tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa. Chỉ từ năm 2005 đến nay, thị trường chứng khoán đã giúp Chính phủ và các doanh nghiệp huy động hơn 2 triệu tỷ đồng và gần 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.

Đó là một bước tiến dài...

http://vneconomy.vn/chung-khoan/20-nam-chung-khoan-viet-va-thoi-diem-kho-khan-nhat-20161127071121496.htm