Cơn sốt Habeco kéo dài đến khi nào?

Cơn sốt Habeco kéo dài đến khi nào?

Cổ phiếu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (UPCoM: BHN) mới lên sàn UPCoM hơn 1 tuần đã tạo cơn sốt khi tăng trần liên tục, chạy thẳng một mạch lên 125,900 đồng/cp. Cơn sốt chưa kịp hạ nhiệt thì Habeco lại khiến nhà đầu tư sôi sục khi lấy ý kiến cổ đông việc chuyển từ đăng ký giao dịch tại UPCoM lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Kỳ vọng vào cổ đông ngoại và chuyển sàn

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cùng với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là hai ông lớn ngành Bia - Rượu - Nước giải khát được mong chờ sẽ niêm yết nhất trên sàn chứng khoán. Thế nên ngay khi Habeco vừa chính thức được giao dịch tại UPCoM vào ngày 28/10/2016, cổ phiếu đã mau chóng tăng trần từ mức giá tham chiếu 39,000 đồng/cp. Những phiên sau đó, cổ phiếu Habeco tiếp tục tím lịm với lực cầu giá trần áp đảo. Sau 7 phiên giao dịch, Habeco đã tăng lên mức 125,900 cp, tức gấp 3.2 lần mức giá tham chiếu.

Diễn biến giá Habeco tuần qua

Đặc biệt, tuy tăng mạnh nhưng khối lượng giao dịch của Habeco vẫn rất thấp, qua 7 phiên mà có tổng cộng chưa đến 40,000 cp trao tay. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nắm giữ Habeco còn kỳ vọng giá cổ phiếu tăng cao hơn nữa. Và kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở.

Theo đó, Habeco tuy có 231.8 triệu cp đăng ký giao dịch nhưng trong đó đến 99.28% là nằm trong tay các tổ chức gồm Bộ Công thương 189.59 triệu cp (tỷ lệ 81.79%), Carlsberg 40.19 triệu cp và Indochina Carlsberg 0.34 triệu cp. Tức là lượng cp trôi nổi trên thị trường chỉ có 1.66 triệu cp. Trong hai cổ đông lớn thì Bộ Công thương đã có lộ trình thoái vốn và Carlsberg đang “hăm he” tăng tỷ lệ sở hữu. Đây có lẽ là cơ sở đầu tiên cho kỳ vọng cổ phiếu Habeco sẽ còn tăng mạnh nữa.

Điểm tiếp theo, cuối tuần qua, Habeco đã công bố Nghị quyết HĐQT lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển sàn giao dịch cp Habeco từ UPCoM sang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện trong tháng 11 hoặc 12/2016.

Lãi ròng nửa đầu năm 2016 giảm mạnh

Nói về tình hình hoạt động kinh doanh, Habeco vẫn luôn duy trì một phong độ ổn định, doanh thu thuần ghi nhận trong giai đoạn 2012 – 2015 đã tăng đáng kể từ 6,466 tỷ đồng lên 9,638 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận thì không tăng bao nhiêu khi vẫn đều đều trong khoảng 800 đến 900 tỷ.

Trong nửa đầu năm 2016, Công ty có doanh thu 4,038.7 tỷ đồng, giảm nhẹ 13% và lãi ròng 328 tỷ, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do chi phí bán hàng và chi phí quản lý cùng tăng mạnh. Với kết quả này, Công ty chỉ mới thực hiện được 37.6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

EPS năm 2015 của Công ty ở mức 3,827 đồng/cp và giá trị sổ sách chỉ đạt 26,239 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2012 - 2015 (triệu đồng)

Tính đến 30/06/2016, Habeco có 10,148 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó có 4,036 tỷ đồng được tài trợ bằng nợ. Tuy nhiên, vay nợ ngắn và dài hạn của Công ty chỉ lần lượt 576 tỷ và 663 tỷ đồng.

Quy mô hiện nay của Habeco có 17 công ty con và 6 công ty liên kết nằm rải rác ở khắp các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung./.