Lãnh đạo châu Á ủng hộ TPP bất chấp lập trường của Donald Trump

Lãnh đạo châu Á ủng hộ TPP bất chấp lập trường của Donald Trump

Các nhà lãnh đạo tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sẽ theo đuổi các thỏa thuận tự do thương mại bất chấp chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hãng tin BBC cho biết.


Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã kêu gọi gia tăng các biện pháp bảo hộ đối với việc làm tại Mỹ đồng thời cho biết sẽ hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, sau Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru, các nhà lãnh đạo đã lên tiếng bảo vệ các lợi ích của việc hội nhập thị trường.

Trong một thông cáo được công bố vào cuối hội nghị thượng đỉnh APEC, các lãnh đạo cho hay: “Một lần nữa, chúng tôi khẳng định lại cam kết hội nhập thị trường và chống lại tất cả hình thức bảo hộ thương mại”.

Bên cạnh đó, hội nghị này cũng đề cập tới mối nghi ngờ ngày càng cao về hoạt động thương mại, sau khi đà hồi phục không đồng đều giữa các quốc gia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến nhiều người hoài nghi liệu hoạt động toàn cầu hóa có hiệu quả cho đủ người hay không.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo này cho biết lợi ích của việc hội nhập thị trường và hoạt động thương mại cần phải được truyền bá rộng rãi tới cộng đồng một cách hiệu quả hơn, đồng thời nhấn mạnh cách hoạt động giao thương thúc đẩy sự đổi mới, thị trường việc làm và tiêu chuẩn sống cao hơn.

TPP đã kết thúc?

TPP là hiệp định được ký kết giữa 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru, với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa những quốc gia này thông qua việc bãi bỏ các hàng rào thuế quan và tăng cường hoạt động giao thương nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, Donald Trump cho hay đây là một thỏa thuận “tồi tệ” có thể làm mất đi việc làm của người Mỹ vào tay những quốc gia có nguồn lao động giá rẻ.

Được biết, TPP phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, vốn đang chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa - cũng có nghĩa rất có khả năng thỏa thuận này sẽ không được thông qua.

Đối thủ của Donald Trump trong cuộc bầu cử, Hillary Clinton cũng phản đối thỏa thuận này.

Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh APEC, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa thể hiện sự ủng hộ của ông đối với TPP, đồng thời cho biết nếu không tiến tới thỏa thuận này thì vị thế của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị hủy hoại.

Ông cho biết: “Tôi nghĩ không nên ‘quay lưng’ lại với hoạt động giao thương. Câu trả lời là hãy giao thương đúng cách, hãy đảm bảo rằng thỏa thuận này có tiêu chuẩn lao động, môi trường cao, nhờ đó những công nhân và những người bình thường có thể đem lại lợi ích đến hoạt động thương mại toàn cầu”.

Mặc dù một số lãnh đạo cho rằng TPP có thể tồn tại mà không có Mỹ, nhưng một số khác lại cho biết sẽ là bất khả thi nếu không thương lượng lại về thỏa thuận này.

Vào cuối tuần trước, Thủ tướng New Zealand John Key cho biết các nhà lãnh đạo có thể tiến hành một số thay đổi nho nhỏ đối với TPP, qua đó có thể thuyết phục Donald Trump thay đổi quan điểm và ủng hộ thỏa thuận này mà không phải mất mặt.

Trong khi đó, Tổng thống Peru, Pedro Pablo, cho biết TPP nên được tiếp tục bất chấp chiến thắng của Donald Trump trong “cuộc đua” vào Nhà trắng.

Đâu là giải pháp thay thế?

Trung Quốc, vốn không phải là một phần của TPP, đã đưa ra một viễn cảnh khác đối với hoạt động thương mại trong khu vực. Đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó không bao gồm Mỹ.

Sau hội nghị thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh cho biết nhiều quốc gia bao gồm Peru và Chile đã bày tỏ sự hứng thú trong việc tham gia vào thỏa thuận RCEP./.