Nhờ Donald Trump, NHTW Nhật Bản có thể thở phào nhẹ nhõm?

Nhờ Donald Trump, NHTW Nhật Bản có thể thở phào nhẹ nhõm?

Theo Forbes, tính đến thời điểm hiện tại, Thống đốc Haruhiko Kuroda của NHTW Nhật Bản (BOJ) là người may mắn nhất trong giới lãnh đạo ngân hàng. Chiến thắng của ông Trump và những chính sách kinh tế mà ông ấy có thể áp dụng vào thời gian tới (hay còn gọi là Trumponomics) đang khiến đồng USD tăng giá và nhiều khả năng sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong thời gian tới.

Và dù Trumponomics có những ý nghĩa quan trọng cho cả thế giới, nhưng riêng BOJ thì ắt hẳn là đang thở phào nhẹ nhõm.

Ông Donald Trump

Về vấn đề lạm phát, những chỉ số lạm phát gần đây đang không ủng hộ BOJ. Chỉ số giá tiêu dùng (trừ thực phẩm tươi và năng lượng) ở Nhật Bản tăng 0.2% trong tháng 10, nhưng phần lớn là do giá một số loại thực phẩm tăng. Trong quý 3 chỉ số giảm phát GDP đã giảm 0.3% so với quý trước, và giảm 0.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý sụt giảm đầu tiên trong 11 quý vừa qua.

Dù các con số trên thị trường lao động như tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang trên đà cải thiện, nhưng nguy cơ lạm phát quay lại là điều có thật. Và rồi Trumponomics xuất hiện.

Hôm 17/11 vừa qua, BOJ đã quyết định mua trái phiếu thời hạn 2 năm và 5 năm của Chính phủ Nhật Bản nhằm duy trì đường cong lợi suất của mình. Sự mất giá của đồng Yên Nhật cũng giúp thị trường chứng khoán nước này hồi sinh, và một số người kỳ vọng rằng BOJ sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2% sớm hơn mong đợi.

Đến nay, mọi chuyện vẫn ổn. Tuy nhiên, có những nguy hiểm phía trước. Thứ nhất, mọi thứ hiện đang phụ thuộc vào “hình hài” của Trumponomics. Ở thời điểm này, rất nhiều người mong rằng nó sẽ trông giống như các chính sách kinh tế của cựu Tổng thống Reagan (hay còn gọi là Reaganonomics), một sự kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng và thắt chặt tiền tệ, nhưng điều này là không chắc. Với sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa ở cả hai viện, rất có thể Trumponomics sẽ gồm ít nhất một hình thức giảm thuế nào đó, nhưng những khía cạnh khác thì... chưa chắc.

Thứ hai, nếu Trumponomics trông giống như Reaganomics thì đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá. Bản thân điều này có thể không phải là “vấn đề” miễn là tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn thấp và tỷ lệ lạm phát vẫn quanh quẩn ở mục tiêu 2%. Nhưng nếu chính quyền của ông Trump lo lắng về sự thâm hụt tài khoản vãng lai và/hoặc giá trị cao hơn của đồng USD, thì có thể họ sẽ ngăn lại và đảo ngược đà tăng giá của đồng USD.

Theo một số chuyên gia, chính sách tài khóa mở rộng mà không có sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ mở rộng hiện tác động rất hạn chế lên nền kinh tế. Vì vậy, hướng đi tốt nhất của hành động chính sách dành cho Mỹ, và thế giới, là để Fed nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai.

Kịch bản này là có thể. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 8 năm liên tiếp kể từ năm 2008 đến nay, và sớm muộn gì cũng sẽ phát triển chậm lại. Nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, Fed sẽ lại tham gia vào chuyện nới lỏng tiền tệ.

Tuy nhiên, có một kịch bản khác đáng sợ hơn, mà thật sự đã xảy ra vào năm 1985. Khi đó, nhằm chống lại sự tăng giá của đồng USD, chính quyền của Tổng thống Reagan đã gây áp lực lên các đối tác thương mại, trong đó có Nhật Bản, để tăng giá đồng nội tệ của họ lên. Vào tháng 12/1985, Pháp, Nhật Bản, Tây Đức, Anh và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về việc tăng giá đồng USD, và thường được biết đến với tên gọi Hiệp ước Plaza, đặt theo tên của nơi diễn ra thỏa thuận.

Đó là một sai lầm cho phía Nhật Bản. Sự thay đổi trong mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô này, (xa rời với các dấu chỉ kinh tế nội địa như lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đến tỷ giá ở Nhật Bản), đã dẫn đến những thay đổi không ổn định trong chính sách kinh tế vĩ mô. Nhưng nếu điều đó lại xảy ra, thì đó sẽ là một đòn chí mạng vào dự án phục hồi tiền tệ của Nhật Bản, hay còn gọi là Abenomics.

Ngay cả nếu chính quyền của ông Trump dự tính dùng đến Hiệp ước Plaza để xử lý vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai thì có thể họ sẽ nhắm đến Trung Quốc, chứ không phải là Nhật Bản. Ngoài ra, nếu xét đến thái độ thiếu hợp tác của các nhà làm chính sách ở các nền kinh tế phát triển trong thời gian qua (mà có thể là do những lời lẽ của ông Trump làm cho trầm trọng thêm), thì việc lo lắng về chuyện Hiệp ước Plaza sẽ xảy ra lần thứ hai có thể là... hơi sớm.

Giờ đây, BOJ đã được tưởng thưởng bởi thái độ thụ động của họ dành cho chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, sẽ có những bất ổn trong tương lai. Thống đốc Kuroda cần phải sẵn sàng cho những bất ổn này và xem xét lại bản chất thụ động của BOJ./.