RCEP khác gì với TPP?

RCEP khác gì với TPP?

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu đã trở thành thỏa thuận hàng đầu đối với việc thành lập các tiêu chuẩn thương mại mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

* Không có TPP thì còn RCEP

Được biết, TPP là hiệp định được ký kết giữa 12 quốc gia (bao gồm Mỹ và không có Trung Quốc) trong tháng 2/2016 nhưng hiện vẫn chưa được thông qua.

Trong khi đó, RCEP bao gồm 16 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và được xem là một hiệp định thay thế cho TPP để giảm bớt các hàng rào thuế quan và tạo điều kiện kích thích tăng trưởng ở mỗi quốc gia thành viên.Tuy nhiên, không như TPP, RCEP thiếu đi một số “mục tiêu cao cả” bao gồm việc bảo vệ người lao động và phòng chống tham nhũng.

Dưới đây, CNNMoney nêu ra một số điều khoản quan trọng của TPP mà RCEP không có:

Các tiêu chuẩn về lao động

Theo TPP, các quốc gia thành viên bắt buộc phải đảm bảo một số quyền lao động được công nhận bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trong đó, bao gồm việc bảo vệ quyền thương lượng tập thể, loại trừ lao động ép buộc và ngăn cấm sử dụng lao động trẻ em cũng như sự phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng.

Các bên ký kết cũng được yêu cầu phải đưa ra các điều luật kiểm soát mức lương tối thiểu, số giờ làm việc cũng như luật an toàn và sức khỏe lao động.

Bảo vệ môi trường

TPP yêu cầu các thành viên phải thi hành các điều luật để bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Các thành viên phải cam kết chống lại hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, thực vật và cá biển; cũng như chia sẻ thông tin với các quốc gia thành viên khác để điều tra hoạt động buôn lậu động vật hoang dã.

Các quốc gia thành viên cũng phải thúc đẩy việc bảo tồn dài hạn đối với các giống loài đang gặp nguy hiểm như cá mập, rùa biển, chim biển và động vật có vú biển.

Sự thất bại của TPP có thể đem lại lợi ích cho Trung Quốc nhưng lại tác động tiêu cực đến thị trường châu Á.

Theo hiệp định TPP, Chính phủ các nước phải khuyến khích các công ty thực hiện các chính sách trách nhiệm xã hội có lợi cho môi trường.

Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng phải phá bỏ các hàng rào thuế quan đối với các hàng hóa liên quan đến môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương dịch vụ môi trường.

Các doanh nghiệp nhà nước

Theo TPP, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) phải thực hiện hoạt động mua bán dựa trên cơ sở cân nhắc thương mại. 

Bên cạnh đó, Chính phủ các nước phải đồng ý đảm bảo các SOE không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp, hàng hóa hoặc dịch vụ từ các quốc gia khác.

Các Chính phủ không được sử dụng các cơ quan luật pháp để tạo ra các ưu đãi dành cho các SOE của nước họ. Đồng thời, TPP cũng yêu cầu các quốc gia không được xâm phạm đến lợi ích của các nước khác khi họ cung cấp các sự trợ giúp phi thương mại như các khoản vay hoặc vốn cổ phần tới các SOE thuộc nước sở tại.

Dòng thông tin tự do

Khoản mục thương mại điện tử của TPP đảm bảo rằng các công ty cũng như người tiêu dùng có thể truy cập hoặc dịch chuyển dữ liệu một cách tự do nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế kỹ thuật số. 

Chính phủ Mỹ cho biết, các biện pháp trên sẽ giúp xóa bỏ các hạn chế không hợp lý như việc tùy ý chặn các website.

Ngoài ra, TPP cũng đảm bảo rằng các công ty không bị yêu cầu xây dựng các trung tâm dữ liệu địa phương tại mỗi thị trường mà họ phục vụ.

Các thành viên TPP phải đối xử với nội dung số (digital content) từ các nước thành viên giống của chính mình.

Phòng chống tham nhũng

Các quốc gia tham gia vào TPP bắt buộc phải xếp các hành vi hối lộ và tham nhũng vào các tội danh hình sự.

Trong khi đó, những người hối lộ các quan chức hoặc cán bộ công chức phải bị trừng phạt theo các điều khoản của thỏa thuận.

Các quốc gia thành viên phải giảm bớt tình trạng xung đột lợi ích giữa công ty Nhà nước và tư nhân.

Ngoài ra, TPP cũng cố gắng gia tăng tính minh bạch thông qua việc yêu cầu các quốc gia phải công khai luật pháp thương mại và các quy định hiện hành với các nước khác.

Các quốc gia thành viên cũng phải lấy ý kiến của các quốc gia thành viên TPP trước khi áp dụng các điều khoản giao thương mới./.

Tags: