Ứng dụng Tài chính hành vi trong đầu tư - kỳ 2

Ứng dụng Tài chính hành vi trong đầu tư - kỳ 2

Tự tin quá mức vào trình độ, giao dịch điên cuồng… là những hội chứng thường gặp ở các nhà đầu tư. Điểm đặc biệt là điều này không chỉ xuất hiện ở các nhà đầu tư bình thường mà còn biểu hiện ở cả dân chuyên nghiệp.

* Ứng dụng Tài chính hành vi trong đầu tư

Quá tự tin vào bản thân

Một điểm rất thú vị mà Giáo sư Daniel Kahneman và Giáo sư Robert J. Shiller phát hiện ra là các hội chứng của tài chính hành vi (behavioural finance) không chỉ xuất hiện ở các nhà đầu tư bình thường mà ở cả các chuyên gia hàng đầu.

Điều này được lý giải là một người có nhiều kiến thức không đồng nghĩa với việc anh ta kiểm soát được tâm lý và tham vọng của mình tốt hơn người có ít kiến thức. Đây chính là điểm mấu chốt để lý giải tại sao nhiều nhà đầu tư “ít học” lại có thể đạt được tỷ suất sinh lời cao hơn những chuyên gia có bằng cấp rất cao.

Có thể lấy trường hợp của FLC, HHS, OGC… để làm ví dụ. Đây rõ ràng là những cổ phiếu có tính biến động rất lớn với sự tăng giảm khá mạnh và bất ngờ trong thời gian ngắn. Một nhà đầu tư có nhiều kiến thức (hoặc anh ta nghĩ mình có nhiều kiến thức) thừa biết sẽ có rủi ro lớn khi tham gia lướt sóng cổ phiếu này nhưng cuối cùng vẫn quyết định đầu tư vào FLC vì cho rằng mình có thể tránh được những rủi ro này (vùng khoanh tròn trên đồ thị) hoặc chỉ đơn giản là không đủ kiên nhẫn để chờ đợi ở những cổ phiếu cơ bản như REE, FPT...

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là “thiên nga đen” vẫn rất hay xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Con người có thể tính toán chính xác nhật thực/nguyệt thực nhưng không thể dự báo chính xác ngày mai giá chứng khoán sẽ lên xuống như thế nào. Mọi quy luật đều có thể bị đảo ngược khi chiếu qua lăng kính tâm lý con người. Một cổ phiếu có thể giảm cực sốc rồi sau đó tăng mạnh trở lại dù chẳng có tin tức gì đáng kể xuất hiện.

Đâu là giải pháp?

Giải pháp cho những người quá tự tin nhưng thường xuyên gặp thất bại, thua lỗ là nên giảm bớt kỳ vọng và chấp nhận một mức lợi nhuận vừa phải thì sẽ làm cho công việc đầu tư trở nên nhẹ nhành và dễ dàng hơn. Có hai lý giải cho việc này:

Thứ nhất, nhà đầu tư có thể chưa đủ “tầm” để có được lợi nhuận cao và anh ta bị chứng ảo tưởng về kiến thức (Illusion of knowledge) cũng như trình độ cá nhân của mình. Hội chứng này đã được James Montier phân tích khá nhiều trong các nghiên cứu của mình.

Thứ hai, thị trường mà anh ta đang hoạt động và trading đang ở trong tình trạng hỗn loạn (chaos) hoặc chưa có lịch sử giá phát triển đủ lâu để có thể trở nên hiệu quả đối với các suy luận logic, các mô hình phân tích định lượng (quantitative model) giúp sinh lời lớn.

Xét cho cùng thì việc lời nhiều hay lời ít không hẳn là quan trọng hơn việc duy trì được khả năng sinh lời trong suốt nhiều năm. Tỷ suất sinh lời của Warren Buffett chỉ khoảng 25%, một con số cũng không quá ấn tượng đối với nhiều trader ở Việt Nam, nhưng vấn đề mấu chốt là ông ấy duy trì nó trong một thời gian cực lâu./.