Vì sao dừng đầu tư hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

Vì sao dừng đầu tư hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

Hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) do tư vấn Nga và tư vấn Nhật hoàn thành. Song Quốc hội sẽ họp để xem xét Nghị quyết về việc dừng triển khai cả hai dự án này vào chiều ngày 10-11.

Theo chương trình họp Quốc hội, lịch làm việc chiều ngày 10-11, Quốc hội sẽ họp riêng về việc dừng thực hiện dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự thảo nghị quyết này sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra.

Không phải đến thời điểm này, việc dừng thực hiện hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được đưa ra xem xét. Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII hồi tháng 10 vừa qua, Ban Chấp hành trung ương đã xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến hai dự án này. Theo thông tin sau hội nghị được công bố, Ban Chấp hành trung ương đã xem xét kỹ, toàn diện các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương triển khai hai nhà máy này nên thống nhất giao cho Đảng, đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp thu chỉ đạo, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư hai dự án này từ năm 2009. Dự án thứ nhất đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do phía Nga hỗ trợ đầu tư, xây dựng; và dự án thứ hai đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Hai dự án có tổng công suất trên 4.000 MW, với tổng mức đầu tư theo dự toán khoảng 200.000 tỉ đồng.

Dự án số 1 dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Đến nay, cả hai dự án đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, đưa hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành điện đi học tập tại nước ngoài (Nga) để chuẩn bị cho việc chuyển giao sau này nhưng Quốc hội phải xem xét dừng đầu tư.

Lý do là theo báo cáo nghiên cứu khả thi do hai tư vấn Nga và Nhật lập, tổng mức đầu tư của cả hai dự án lên tới 27 tỉ đô la Mỹ và giá thành điện khoảng 8,65 cent Mỹ/kWh. Tổng mức đầu tư và giá điện ở giai đoạn khả thi nếu thực hiện là tăng gấp đôi so với giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và không còn cạnh tranh như khi được phê duyệt (giá thành điện hạt nhân lúc đó là 4,93 cent Mỹ/kWh). Mức giá khả thi là quá cao nếu đầu tư sẽ không hiệu quả.

Hơn nữa, sau sự cố điện hạt nhân Fukushima, các nước có công nghệ điện hạt nhân đã có nhiều cải tiến song nhiều quốc gia như Đức đã dừng các dự án này để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, các vấn đề khác như  quy hoạch chôn lấp rác thải hạt nhân lâu dài, các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, vấn đề tháo dỡ nhà máy sau khi hết thời hạn hoạt động cũng chưa có những quyết định tối ưu.

Mặt khác, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thực hiện hai dự án này mà bắt đầu bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ làm tăng nợ công, nợ Chính phủ khoảng gần 4%/ tổng GDP, bình quân mỗi năm tăng khoảng 0,5% GDP/. Trong khi đó, Nghị quyết về các chỉ tiêu kinh tế trung hạn 2016-2020 mới được Quốc hội thông qua đã giữ nguyên trần nợ công 65% và nợ Chính phủ tăng 6,4%, giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5%.

http://www.thesaigontimes.vn/153645/Vi-sao-dung-dau-tu-hai-du-an-dien-hat-nhan-Ninh-Thuan.html