Vì sao nhân vật số 2 của Fed lại cảnh báo Donald Trump?

Vì sao nhân vật số 2 của Fed lại cảnh báo Donald Trump?

CNNMoney đưa tin, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Stanley Fischer đã gửi một lời cảnh báo mạnh mẽ đến chính quyền sắp tới của ông Trump với nội dung: Nước Mỹ cần có một ngân hàng trung ương không lệ thuộc vào bất kỳ áp lực chính trị nào.

“Có một ngân hàng trung ương độc lập là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình vận hành của nền kinh tế”, ông Fischer nói với phóng viên Richard Quest của CNN vào hôm thứ Hai vừa qua ở New York. “Điều này rất quan trọng”.

Ông Fischer là nhân vật quan trọng số 2 tại Fed và là đồng minh thân cận của Chủ tịch Janet Yellen.

Được biết, trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua, ông Trump từng nói bà Yellen nên “xấu hổ về chính mình” vì đã giữ lãi suất thấp quá lâu. Ông cho rằng Fed làm như thế là để cho nền kinh tế “trông có vẻ tốt” dưới thời Tổng thống Obama.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 9 vừa qua, ông Trump cho rằng: “Chủ tịch Janet Yellen và cả Fed hiện không làm đúng công việc của mình. Fed đang mang hơi hướng chính trị nhiều hơn cả bà Hillary Clinton khi bà còn làm Ngoại trưởng”.

Ông Trump cũng ủng hộ một sáng kiến mang tên “Kiểm toán Fed” do Đảng Cộng hòa đề xuất. Theo đó, Văn phòng Tổng Kiểm toán sẽ xem xét lại tất cả các quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Tuy nhiên, hiện các quan chức của Fed đang kịch liệt phản đối sáng kiến này, vì cho rằng điều đó sẽ dần làm mất đi tính độc lập của ngân hàng trung ương.

Rất có khả năng Fed sẽ nâng lãi suất chủ chốt của mình lần thứ 2 trong một thập kỷ khi nhóm họp vào hai ngày 13 và 14 tháng 12 sắp tới. Lần nâng lãi suất gần đây nhất mà Fed thực hiện là vào tháng 12/2015. Theo Tập đoàn CME, các nhà đầu tư ở Phố Wall nhận thấy khả năng Fed nâng lãi suất tại cuộc họp này là 95%.

Đó cũng là kỳ họp cuối cùng của Fed trước khi nhiệm kỳ của Donald Trump bắt đầu. Ông Trump đã cho thấy ông muốn chi mạnh cho nền kinh tế, nghĩa là sẽ có sự thay đổi lớn đối với vai trò mà chính sách của Fed đang giữ và sự lãnh đạo của ngân hàng này trong tương lai. Các kế hoạch chi tiêu mạnh tay của ông dành cho cơ sở hạ tầng có thể sẽ góp phần kích thích nền kinh tế, vốn là điều mà các lãnh đạo của Fed đã yêu cầu Quốc hội chấp thuận trong nhiều năm qua.

“Có lý do để hy vọng rằng tăng trưởng có thể nhanh hơn một chút, theo hướng tiến tới”, ông Fischer nói với Quest.

Đồng thời, chi tiêu nhiều hơn của Chính phủ cũng có thể gây ra lạm phát cao hơn, điều khiến Fed buộc phải nâng lãi suất nhanh hơn nhiều so với mong muốn của cơ quan này. Trước đây, cả ông Fischer lẫn bà Yellen đều phát biểu rằng Fed sẽ nâng lãi suất từ từ.

Ngoài chính sách của Fed, ông Trump cũng sẽ có quyền đề cử một số nhân vật tại cơ quan này. Có thể ông sẽ bổ nhiệm 2 vị trí trong đội ngũ điều hành Fed ngay khi bước chân vào Nhà Trắng. Và 2 nhân vật này sẽ có quyền bỏ phiếu vĩnh viễn trong các lần nhóm họp chính sách của Fed. Đầu năm 2018, bà Yellen và ông Fischer cũng sẽ hết nhiệm kỳ. Hiện đang có đồn đoán rằng Thống đốc Daniel Tarullo của Fed có thể từ chức khi ông Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, cho dù ông Trump có tạo ra được bao nhiêu ảnh hưởng lên Fed đi nữa thì Fed cũng sẽ không chờ đợi. “Chúng tôi có vai trò của mình và chúng tôi sẽ thực hiện đúng”, ông Fischer nói với Quest./.