Cổ phần hóa: Khó từ phương án đến thực hiện

Cổ phần hóa: Khó từ phương án đến thực hiện

Trong phiên thảo luận về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Diễn đàn kinh tế 2017 diễn ra ngày 02/12, lãnh đạo Bộ Tài chính cùng đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia đã nêu ra thực trạng của việc cổ phần hóa DNNN và đưa ra những phương án nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện tái cơ cấu.

Diễn đàn kinh tế diễn ra sáng ngày 02/12

Đề cập đến thực trạng cổ phần hóa hiện nay, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm số lượng DNNN hiện nay chỉ ở mặt hình thức, mặc dù nhìn số lượng DNNN được cổ phần hóa đang gia tăng, nhưng so với tốc độ của nền kinh tế vẫn là chậm.

Các số liệu thực tế hiện nay cho thấy, việc DNNN cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần vẫn còn rất phổ biến, đơn cử như trường hợp của Lilama Nhà nước sở hữu 98% là vốn, Tổng công ty hàng không Việt Nam 95.5% vốn của Nhà nước, Tổng công ty xăng dầu, có 94.99% vốn Nhà nước.

Đi tìm lời giải cho vấn đề trên, ông Dương Thanh Hiền – Phó Tổng Giám đốc DATC cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một phần nằm ở vấn đề xử lý mua bán nợ của doanh nghiệp trước cổ phần, mặt khác đến từ phía nhà đầu tư muốn mua cổ phần tại doanh nghiệp. Nhu cầu của nhà đầu tư là muốn nắm giữ cả lô cổ phần, trong khi phương án bán cổ phần theo lô cần được sự chấp thuận từ Sở giao dịch. Một số doanh nghiệp khác không nhận được sự chú ý của nhà đầu tư do vấn đề cung cấp thông tin niêm yết, việc định giá doanh nghiệp còn nhiều điểm trái chiều.

Đóng góp vào phần thảo luận, ông Phạm Văn Thinh -Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, rào cản chính làm cản trở quá trình cổ phần hoá nằm ở việc định giá doanh nghiệp. Định giá doanh nghiệp hiện nay chưa áp dụng chuẩn mục quốc tế khiến nhà đầu tư không tin tương vào giá trị của doanh nghiệp, bên cạnh đó ông cũng đề cập lại vấn đề chất lượng thông tin cung cấp đến nhà đầu tư chưa đầy đủ.

Hiện nay, Chính phủ đã "mở" cho việc thuê tư vấn nước ngoài và cho phép doanh nghiệp thuê nhiều tư vấn để so sánh định giá doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện. Mặt khác, những thông tin tiếp cận của nhà đầu tư lại rất ít do đó thông tin từ phía tư vấn hay chính các cơ quan tổ chức cần rõ ràng và minh bạch.

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tới đây Chính phủ sẽ công bố công khai danh mục doanh nghiệp về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Trong cổ phần hoá và niêm yết sẽ không hạn chế việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và sắp tới sẽ thay đổi cách thức cổ phần hoá và giá doanh nghiệp sẽ liên quan tới thị hiếu của nhà đầu tư.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Cấn Văn Lực – Chủ tịch HĐQT BIDV cũng đưa ra lý do về việc chậm trễ trong cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó đề cập đến trách nhiệm của bộ chủ quản và doanh nghiệp. Mặt khác, ông cho rằng khâu định giá doanh nghiệp dài và chậm làm lỡ mất cơ hội; do đó chỉ nên dừng lại ở 2, 3 phương án. Bên cạnh đó, ông cũng nêu lại tình trạng sở hữu Nhà nước quá cao là điểm làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư.