Đấu giá cổ phần Saigonbank: Thoát ế!

Đấu giá cổ phần Saigonbank: Thoát ế!

Bước ra khỏi quỹ đạo thoái vốn chật vật và ế ẩm, hành trình bán cổ phần tại Saigonbank (SGB) trong năm 2016 đã “thuận buồm xuôi gió”. Các đợt đấu giá từng rao bán không có ai mua lần lượt cháy hàng thời gian gần đây.

Liên tục trong tháng 7 và tháng 8/2016, toàn bộ gần 28 triệu cổ phiếu Saigonbank (tương đương 9% vốn) do SaigontouristVietinBank sở hữu đã được đấu giá thành công. Đến tháng 12, ba nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đã gom hơn 3.26 triệu cp (tương đương 1.06% vốn điều lệ) của Saigonbank do Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) chào bán.

Giá đấu thành công bình quân lần lượt là 14,797 đồng/cp, 12,500 đồng/cp và 10,000 đồng/cp. Thậm chí, hai đợt đấu giá đầu đều có khối lượng đăng ký đặt mua gấp tới 4 lần khối lượng chào bán. Đây được coi là một bước chuyển lớn bởi trước đó một năm, Saigontourist từng rao bán toàn bộ cp đang nắm giữ tại Saigonbank với giá khởi điểm 9,756 đồng/cp nhưng không có ai mua. Tương tự với IPC, do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia nên buổi đấu giá hơn 3.26 triệu cp Saigonbank với giá khởi điểm 10,000 đồng/cp đã bị hủy.

Sau các đợt thoái vốn trên, Saigontourist và IPC đã rút lui hoàn toàn; VietinBank hiện chỉ còn nắm giữ 4.91% cổ phần, đồng thời không còn là cổ đông lớn của Saigonbank. Được biết, việc VietinBank giảm tỷ lệ sở hữu ở Saigonbank nhằm thực hiện theo quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định tỷ lệ sở hữu giữa hai ngân hàng thương mại phải dưới 5% vốn có quyền biểu quyết.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của Saigonbank

Như vậy, hiện cơ cấu sở hữu tại Saigonbank gồm có cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy Tp.HCM nắm hơn 18% vốn với đại diện là ông Nguyễn Phước Minh. Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM với tỷ lệ sở hữu hơn 14%. Ngoài ra, hai ngân hàng là VietinBank (CTG) và Vietcombank (VCB) lần lượt nắm 4.91% và 4.37%.

Trước đó, thị trường cũng có nhiều đồn đoán xoay quanh “cuộc hôn nhân” giữa Saigonbank và Vietcombank – cổ đông đang sở hữu 4.37% vốn. Tuy nhiên, sau những nhùng nhằng về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, đến giờ vẫn chưa có thông tin chính thức từ các bên liên quan.

Được biết, Saigonbank vốn là ngân hàng TMCP đầu tiên của Tp.HCM và cả nước, thành lập năm 1987 trước khi có Luật Công ty và Pháp lệnh Ngân hàng, với vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng và thời gian hoạt động 50 năm. Cuối năm 2011, Ngân hàng phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 2,460 tỷ đồng lên 2,960 tỷ đồng, đợt tăng vốn tiếp theo vào tháng 9/2012 lên 3,080 tỷ đồng và duy trì cho tới thời điểm hiện tại. Từ năm 2014, Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3,080 tỷ đồng lên mức 4,000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4,080 tỷ đồng song vẫn chưa thực hiện được.

Trải qua thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng và tái cơ cấu ngân hàng, Saigonbank vẫn “như nó vốn thế từ trước đến nay”: quy mô vốn điều lệ nhỏ, mạng lưới giao dịch xoay quanh 90 đơn vị, quy mô huy động và cho vay vừa phải, duy trì lợi nhuận trước thuế đủ thực hiện chỉ tiêu kế hoạch ĐHĐCĐ giao phó.

Tại Saigonbank, sau khi đạt mức lợi nhuận trước thuế 871 tỷ đồng vào năm 2010, Ngân hàng đã nối tiếp bằng chuỗi sụt giảm lợi nhuận liên tục cho đến năm 2015, chỉ còn 55 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ xấu hàng trăm tỷ đồng. Đây cũng là năm mà Ngân hàng này thực hiện tự tái cơ cấu và cổ đông lớn cũng thất bại trong các cuộc đấu giá cổ phần nhằm thoái vốn.

Qua 9 tháng đầu năm 2016, lãi trước thuế của Saigonbank ghi nhận gần 184 tỷ đồng; tuy vượt 41% kế hoạch cả năm nhưng cũng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lưu chuyển thuần từ cả hoạt động kinh doanh và đầu tư trong kỳ đều âm, riêng hoạt động tài chính không phát sinh dòng tiền.

Tổng tài sản, tổng dư nợ và tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2008-2016 (Đvt: Tỷ đồng, %)

Lợi nhuận trước dự phòng và lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2008-2016 (Đvt: Tỷ đồng)