Giới đầu tư ngày càng... can đảm hơn?

Giới đầu tư ngày càng... can đảm hơn?

Thủ tướng Italy chuẩn bị từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật vừa qua – và giới đầu tư dường như... chẳng quan tâm, CNNMoney đưa tin.

Cụ thể, ngay ngày hôm sau, chỉ số Dow Jones lại lập một kỷ lục mới. Và chỉ số “Tham lam và Sợ hãi” của CNNMoney hiện đang cho kết quả “cực kỳ tham lam”. Ngay cả quỹ ETF iShares MSCI của Italy, vốn bao gồm các công ty lớn của quốc gia này, cũng tăng.

Hãy quên đi những ngạc nhiên do sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, mang lại. Vào thời điểm này, việc một quốc gia bỏ phiếu để duy trì tình trạng hiện tại lẽ ra phải là một “cú sốc chính trị” mà có thể khiến cho thị trường bất ổn.

Phải chăng giới đầu tư đang mù quáng mua vào các cổ phiếu và vui vẻ làm ngơ (hay thậm chí tệ hơn là... quên?) trước tất cả những điều từng làm họ sợ hãi?

Michael Block, Chiến lược gia trưởng tại Rhino Trading Partners, đùa rằng giờ đây thị trường dường như đang cổ vũ cho nhiều biến động chính trị hơn. “Bài học mà giới đầu tư và các trader đang nhận được là: Bất kỳ sự kiện gì cũng là một cơ hội mua vào và bạn cần phải ‘không được lỡ chuyến tàu’”, ông nói.

Quả là hơi ngạc nhiên khi giới đầu tư đã làm ngơ trước gần như tất cả các cú sốc chính trị lớn.

Hãy xem! Thứ Sáu tuần trước, ông Trump có nhắc tới cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan trên Twitter – một điều được xem là “không thể chấp nhận được” về mặt ngoại giao – và rồi cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng vào đầu tuần này.

Ông Trump cũng chỉ trích các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia của Mỹ hồi cuối tuần, dọa rằng sẽ đánh thuế đến 35% nếu họ tiếp tục chuyển việc làm ra nước ngoài. Đó sẽ là thảm họa cho lợi nhuận. Nhưng rồi giá cổ phiếu vẫn tiếp tục... tăng.

Và giới đầu tư toàn cầu chỉ “nhún vai” trước tin tức từ Italy, dù trước đó có lo lắng rằng một kết quả “Không” sẽ dẫn tới nhiều vấn đề hơn cho các ngân hàng nước này, và là một bất ổn cho cả châu Âu.

“Các thị trường đảo chiều sau sự kiện Brexit trong vòng chưa đầy một tuần, chỉ sau một đêm với chiến thắng của ông Trump và giờ đây gần như không thèm để ý đến kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Italy”, Tom Siomades, người đứng đầu tập đoàn tư vấn đầu tư Hartford, phát biểu.

“Có một tâm lý ‘có thể làm được’ trên toàn thị trường vào thời điểm hiện tại và khá nhiều điều có khả năng dẫn đến tiêu cực đang bị gạt sang một bên”, ông nói thêm.

Nhưng điều này có thể kéo dài được bao lâu? Block lo rằng giới đầu tư hiện đang quá tự mãn, và cho biết bản thân ông “không hoàn toàn ủng hộ ‘phép mầu’ của ông Trump”.

Và ông không phải là người duy nhất nghĩ thế.

“Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng rủi ro địa chính trị đã đi qua sau sự kiện Brexit và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chúng tôi tin rằng nó chỉ đang trở nên thú vị hơn”, David Lafferty, Chiến lược gia trưởng về thị trường của Natixis Global Asset Management, viết trong báo cáo hôm thứ Hai của mình.

Nói cách khác, đợt thủy triều chủ nghĩa dân túy đang quét ngang nước Mỹ và châu Âu có thể là khởi đầu cho một kỷ nguyên bất ổn và hỗn loạn thị trường mới khác hẳn với thời điểm hiện tại./.