Năm 2016, đã xử lý khoảng 95 ngàn tỷ đồng nợ xấu

Năm 2016, đã xử lý khoảng 95 ngàn tỷ đồng nợ xấu

Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố ngày 26/12, trong 2016 hệ thống TCTD đã xử lý khoảng 95 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52.6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26.6%, bán cho VAMC chiếm 21%.

Nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 ngàn tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC và chiếm khoảng 4.3% tổng tín dụng).

Số dự phòng rủi ro tín dụng (DPRRTD) của hệ thống ước tăng khoảng 11.9% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 5.4%). DPRR cụ thể tăng 24.9%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 (11.9%). Tỷ lệ DPRR cụ thể/nợ xấu báo cáo là 57.2%.

Chất lượng tín dụng theo báo cáo cải thiện nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống theo báo cáo của các TCTD giảm nhẹ từ 2.9% (năm 2015) xuống 2.8%.

Trong năm 2016, nguồn vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành GTCG) tăng mạnh hơn cùng kỳ năm 2015. Ước tính đến cuối năm 2016, nguồn vốn huy động từ TCKT và dân cư tăng 19% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 16.1%). Trong đó, huy động bằng VND ước tăng 23% và chiếm tỷ trọng 89.5% tổng vốn huy động. Huy động ngoại tệ ước giảm khoảng 7 % so với cuối năm 2015 và chiếm khoảng 10.5% tổng vốn huy động. Huy động ngoại tệ giảm do lãi suất huy động tối đa duy trì ở mức 0%, tỷ giá USD/VND ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm.

Thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối ổn định và dưới ngưỡng quy định của NHNN. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống là khoảng 85% (năm 2015 là 85.7%). Tỷ lệ LDR bằng VND là 85.9%, bằng ngoại tệ là 72.1%. Tuy nhiên, vẫn tiểm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn: Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tăng từ 31.8% (năm 2015) lên 35%. Tỷ lệ này tại một số TCTD cao sát mức trần quy định 50% tại Thông tư 06 của NHNN./.