“Người trong cuộc” lên tiếng trước vấn đề CBPG với thép xuất khẩu

“Người trong cuộc” lên tiếng trước vấn đề CBPG với thép xuất khẩu

Đó chính là đề xuất tại CTCP Thép TVP trú tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức tỉnh Long An đưa ra mới đây. Theo đó, công ty đề nghị tạm dừng việc nộp thuế chống bán phá giá tạm thời  đối với loại hình nhập sản xuất xuất khẩu để doanh nghiệp có thể thông quan, đẩy mạnh hoạt động cuối năm.

* DNNY thép Việt ở đâu trong cơn bão kiện bán phá giá?

* Thép Việt sẽ chống lại nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá ở Mỹ

* EU ngừng áp thuế chống bán phá giá đối với vít thép không gỉ Việt Nam

Cụ thể, trong Công văn của mình, Thép TVP đề nghị các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể đến Cục Hải quan tỉnh Long An về việc tạm dựng việc nộp tạm thời thuế chống bán phá giá tạm thời  đối với loại hình nhập sản xuất xuất khẩu để doanh nghiệp có thể thông quan và thực hiện các hợp đồng sản xuất đã được ký kết, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động cũng như doanh  nghiệp.

Theo lý giải của công ty, TVP hoạt động theo loại hình nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và cam kết không tiêu thụ nội địa. Công ty Thép TVP nhập nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu. Các nguyên liệu này nhập vào để sản xuất các sản phẩm cho khách nước ngoài đã được ký kết, không gây ảnh hưởng đến thị trường nội địa nên không chịu các thuế suất như chống bán phá giá bảo vệ cho thị trường nội địa.

Được biết, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ kiện chống bán phá giá với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là thép chữ H. Trong đó, cao điểm phải kể đến thời gian đầu tháng 8/2016, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, nghi ngờ số lượng thép (trị giá khoảng 19 triệu USD) nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013-2014 mang theo C/O Việt Nam do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp là của doanh nghiệp Trung Quốc bán vào Việt Nam để doanh nghiệp Việt Nam xuất sang châu Âu. Trong khi trước đó, doanh nghiệp Mỹ cũng đã kiện sản phẩm thép cán nguội nhập từ Việt Nam với cùng lý do trên.

Không dừng lại, giữa tháng 10 năm nay, một số doanh nghiệp Mỹ đã gửi đơn tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét, khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Mặt khác, vẫn có tin vui cho cộng đồng dân thép trong nước khi mà mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ - Luxembourg cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) có thông báo, thuế chống bán phá giá đối với vít thép không gỉ xuất xứ từ Việt Nam, sẽ được tự động chấm dứt từ ngày 20/11/2010 do không có yêu cầu rà soát từ ngành công nghiệp EU. Như vậy, sau 5 năm (từ 19/11/2005) EU đã chính thức ngừng áp thuế chống bán phá giá 7.7% đối với vít thép xuất xứ Việt Nam. Đây là thông tin tốt và là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất và xuất khẩu vít thép không gỉ sang EU vì vít thép không gỉ xuất xứ Trung Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá ít nhất trong giai đoạn rà soát (12-15 tháng) tới./.