Vì sao Donald Trump sẽ phải cần đến Janet Yellen?

Vì sao Donald Trump sẽ phải cần đến Janet Yellen?

Sau khi dành một phần “kha khá” trong chiến dịch của mình để... tấn công Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen, Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhận thấy rằng mình sẽ phải cần đến nhân vật này nếu muốn thực thi những phần quan trọng trong kế hoạch chi tiêu nội địa đầy tham vọng của mình.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen

Theo cách riêng của mình, bà Yellen đã “duyệt” một khía cạnh quan trọng trong kế hoạch của ông Trump. Trong một bài phát biểu được giới chuyên gia theo dõi sát sao hồi tháng 10 – gần một tháng trước khi ông Trump thắng cử – vị chỉ huy của ngân hàng trung ương này đã tán thành ý tưởng cho phép “một nền kinh tế áp lực cao” tồn tại trước khi siết chặt tiền tệ.

Dù vẫn chưa có chi tiết rõ ràng về chuyện này, nhưng bà Yellen nói rằng điều đó sẽ dẫn đến “một nguồn tổng cầu mạnh mẽ và một thị trường lao động đầy ắp việc làm”, điều mà bà cho rằng sẽ đánh bại môi trường tăng trưởng thấp mà nước Mỹ phải hứng chịu kể từ khi cuộc Đại Suy thoái chấm dứt.

Và ở bên kia “chiến tuyến” là ông Trump, người đang kêu gọi đổ 1 ngàn tỷ USD vào các chương trình cải thiện hệ thống xa lộ, các tòa nhà, tiện ích công cộng và nhiều cơ sở hạ tầng đã rệu rã khác. Chi nhiều như thế có thể sẽ cần đến vay mượn, và kết quả là cần phải có lãi suất suất thấp, điều mà chỉ có Fed mới làm được thông qua các chính sách tiền tệ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng nói với CNBC rằng bà Yellen nên “xấu hổ” về cách mà bà dẫn dắt các chính sách suốt từ năm 2014 đến nay. Và kể từ ngày bầu cử đến nay, bà Yellen cũng xuất hiện trước công chúng một lần, (tại một cuộc điều trần của Quốc hội), nhưng bà không cho thấy gì nhiều về cảm nghĩ của mình dành cho chính quyền mới sắp tới.

Bà Yellen và người tiền nhiệm là Ben Bernanke đã dẫn dắt Fed qua thời kỳ hậu suy thoái với mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, ông Trump lại cáo buộc bà Yellen dùng chính sách để làm tăng thêm uy tín của Tổng thống Obama, dù bà và các quan chức khác của Fed cực lực phủ nhận chuyện chính trị có tác động lên quyết định của họ.

Giờ đây Fed tự thấy rằng cần phải bình thường hóa lãi suất. Các thành phần tham gia thị trường cho biết khả năng nâng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 13 và 14 tháng 12 sắp tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) là gần 100%. Các chỉ báo hiện tại cho thấy có thể sẽ có thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2017 và một đợt vào năm 2018.

Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi suất ngắn hạn thì không hẳn chi phí vay của Chính phủ sẽ tăng vọt. Ngân hàng trung ương này hiện có một chính sách tái đầu tư lượng tiền thu được từ trái phiếu vào danh mục đầu tư lên đến 4.5 ngàn tỷ USD của mình, trong đó phần lớn lượng tiền này được dành cho các món nợ dài hạn hơn.

Alan Rechtschaffen, cố vấn tài chính của UBS Wealth Management Americas, cho rằng nếu Fed chấp thuận chiến lược tái đầu tư nguồn tiền thu từ trái phiếu và giảm bớt các mong đợi về lạm phát thì điều đó sẽ giúp ông Trump có được tiền cho các chương trình của mình.

Dĩ nhiên, con đường giữa bức tranh tăng trưởng ảm đạm của Mỹ và “nền kinh tế áp lực cao” của bà Yellen là không hề bằng phẳng.

Một chướng ngại vật mà bà liên tục nhắc tới là tăng trưởng năng suất thấp mà nước Mỹ phải chứng kiến từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Điều đó không những dẫn đến tăng trưởng GDP thấp mà còn hạn chế thu nhập của công nhân Mỹ, những người đã phải hứng chịu hậu quả của lạm phát trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Mỹ vừa đón nhận tin mừng từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khi tổ chức này nâng dự báo của mình dành cho tăng trưởng của Mỹ lên 2.3% vào năm 2017 và 3% vào năm 2018. Đây là các mức tăng mà OECD cho rằng một phần là nhờ kế hoạch và chương trình trình kích thích tài khóa của chính quyền mới.

Ngoài ra, lương của người lao động Mỹ cũng tăng nhẹ. Theo dự báo, lương bình quân hàng tuần của người dân Mỹ sẽ tăng 2.8%. Số liệu của Cục Dự trữ khu vực Atlanta thậm chí còn cao hơn, với mức tăng trưởng lương trong tháng 10 là 3.9%, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Hy vọng rằng, một khi chính thức nhận nhiệm vụ tại Nhà Trắng, ông Trump có thể sẽ thôi không còn “lạc điệu” với người mình từng chỉ trích suốt chiến dịch tranh cử./.