Cải cách thể chế là cần thiết khi ký kết Hiệp định EVFTA

Cải cách thể chế là cần thiết khi ký kết Hiệp định EVFTA

Sáng ngày 20/01, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế”. Theo đó, với những “FTA thế hệ mới" như thế này, cải cách thể chế và thay đổi chính sách trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Có thể sẽ có những tác động ngược!

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, giống như TPP, những cam kết trong EVFTA đã vượt ra khỏi phạm vi của việc loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại. Những cam kết “ đằng sau biên giới” bao gồm cách thức nhà nước ban hành pháp luật, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nhà nước, vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (tư nhân và nhà nước), quan hệ lao động và nhiều nội dung quan trọng khác. Với cam kết như vậy, EVFTA dự kiến sẽ có hai loại tác động đến việc điều chỉnh về thể chế và chính sách. Các tác động trực tiếp liên quan đến các cam kết mà Việt Nam phải đáp ứng bao gồm rà soát văn bản quy phạm pháp luật và chính sách. Tác động gián tiếp là những tác động không nhất thiết phải từ các quy định trong FTA, nhưng Việt Nam cần phải chú ý nếu muốn tận dụng lợi thế và /hoặc hạn chế các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Thế nhưng, những tác động này phần lớn đến từ các cải cách thể chế và cơ cấu.

Khi nói về kinh nghiệm quốc tế, ông Thắng cho biết, đã có rất nhiều cam kết của FTA của EU sâu hơn WTO. Cụ thể, có khoảng 52 lĩnh vực khác nhau được đưa vào ngoài khuôn khổ WTO trong các cam kết FTA của EU và Mỹ và được yêu cầu hình thành cơ quan chuyên biệt có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động đàm phán, giám sát thực hiện, giải ngân tranh chấp. Về thương mại với EU trong thực tế thực hiện hiệp định, ông Thắng đã lấy ví dụ về thương mại giữa Hàn Quốc với EU đã chịu tác động ngược do hiệp định mang lại. Cụ thể, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đã giảm mạnh sau khi ký hiệp định 2009 do chịu tác động từ suy thoái kinh tế của EU.

Việt Nam đã sẵn sàng khi tham gia hiệp định EVFTA?

Bàn về sự sẵn sàng của Việt Nam khi tham gia hiệp định EVFTA, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nước ta đã đạt được mức ổn định kinh tế vĩ mô nhất định từ năm 2014, sau một thời gian hỗn loạn. Tăng trưởng đã được phục hồi, tạo điều kiện thực hiện các hiệp định trong một chu kỳ mới với một tốc độ tăng trưởng cao hơn. Cơ chế về tỷ giá đã được thay đổi để ổn định tỷ giá và tạo thuận lợi phát triển thương mại.

Ngân sách nhà nước phụ thuộc vào xuất khẩu. Hiện nay, doanh thu từ xuất khẩu chiếm khoảng 18% tổng doanh thu. Hiệp định được coi là có ảnh hưởng không đáng kể tới ngân sách do cắt giảm thuế quan được bù đắp bằng cách tăng doanh thu từ xuất khẩu và các loại thuế trong nước. Tuy nhiên, sẽ có vấn đề nếu sản xuất trong nước chậm mở rộng, phát triển.

Về yếu tố bảo vệ nhà đầu tư, đây vẫn là một điểm yếu của Việt Nam. Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh Toàn cầu 2015-2016. Chỉ số bảo vệ đầu tư của Việt Nam chỉ được 4.7/10 điểm, xếp thứ 100/140 quốc gia. Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu giảm thời gian giải quyết tranh chấp tại tòa án kể từ năm 2014 nhưng cho đến nay các hệ thống tư pháp vẫn không có sự thay đổi đáng kể để cải thiện hiện trạng.

Khu vực nhà nước vẫn được coi là khu vực kinh tế chủ đạo, do đó luôn có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước ở hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực. Với lợi thế trong độc quyền nhà nước, tiếp nhận trợ cấp từ nhà nước, giao đất và dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước đã cạnh tranh không công bằng với khu vực tư nhân. Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể sẽ là đối tượng bị kiện và áp dụng các biện pháp xử phạt thương mại nếu các chính sách và thể chế về doanh nghiệp nhà nước không thay đổi và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gây ra thiệt hại đáng kể cho thương mại và đầu tư của EU vào Việt Nam./.