Chè Hiệp Khánh: Bay hơi 45% giá trị sau 6 phiên lên sàn

Chè Hiệp Khánh: Bay hơi 45% giá trị sau 6 phiên lên sàn

Chào sàn vào ngày 12/01/2017 với giá tham chiếu 10,500 đồng/cp, cổ phiếu CTCP Chè Hiệp Khánh (HNX: HKT) đến nay đã giảm liền hơn 45% và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.

* Chè Hiệp Khánh: Hậu niêm yết tại HNX sẽ là tăng vốn hơn gấp đôi

Cụ thể, sau nhiều phiên giảm sàn liên tục, cổ phiếu HKT rơi một mạch từ mức giá chào sàn tại 10,500 đồng/cp để xuống mức 5,600 đồng/cp (tính đến phiên giao dịch sáng 29/01). Khối lượng giao dịch trung bình HKT trong 6 phiên giao dịch này chỉ đạt hơn 62,000 đơn vi/phiên. Đáng chú ý là xu hướng này vẫn chưa dừng lại khi khối lượng bên bán vẫn luôn tỏ ra áp đảo.

Ngày 12/01/2017, cp Chè Hiệp Khánh chính thức giao dịch lần đầu tiên trên sàn HNX với giá tham chiếu 10,500 đồng/cp. Được biết, kế hoạch niêm yết đã được thông qua trước đó vào tháng 6/2015, tuy nhiên sau đó Chè Hiệp Khánh đã xin rút hồ sơ đăng ký theo Nghị quyết HĐQT công ty số 07/2015/NQ-HĐQT ngày 16/12/2015.

Được biết, Chè Hiệp Khánh có tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí và Xây dựng, thành lập năm 2007 chuyên ngành chế tạo và kinh doanh về cơ khí. Năm 2009, Công ty mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp bằng việc đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chè và nông sản công suất 2,000 tấn/năm nhằm khai thác lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, là khởi đầu cho định hướng kinh doanh đến hiện tại của Công ty. Bước sang năm 2011, Công ty chuyển đổi sang loại hình CTCP với tên gọi là CTCP Chè Hiệp Khánh, vốn điều lệ bấy giờ là 3.1 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Phạm Vũ Khánh, bà Nguyễn Thị Thắm và ông Phạm Vũ Tuấn. Đến nay, sau hơn 4 lần tăng vốn, số vốn điều lệ của Hiệp Khánh hiện xấp xỉ 55.8 tỷ đồng, trong đó riêng hai trong ba cổ đông sáng lập trên nắm giữ hơn 18% vốn (Cụ thể ông Khánh sở hữu 10.04% vốn điều lệ, con số này đối với bà Thắm tương đương 8.25%).

Tính đến ngày 30/06/2016, cổ đông Công ty có 34.5% là tổ chức, còn lại 65.5% nằm trong tay cổ đông cá nhân, không có cổ đông ngoại. Trong đó, số cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần gồm:

Về hoạt động kinh doanh, năm 2013 , HKT chịu lỗ hơn 667 triệu đồng. Lý do giải thích cho mức lỗ này có thể do chênh lệch tỷ giá, khi mà trước đó HKT chỉ xuất khẩu sang các nước Trung Đông, năm 2013 các nước này xảy ra một số bất ổn về chính trị, khiến đồng nội tệ nước nhập khẩu mất giá, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty. Đến năm 2014 và 2015, với chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm tỷ trọng phụ thuộc Trung Đông, kết quả kinh doanh của HKT đã có lãi trở lại, tuy nhiên con số tuyệt đối không cao đạt lần lượt gần 2 và 5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của HKT từ năm 2013 đến 10 tháng đầu năm 2016
Đvt: Tỷ đồng

Bước sang năm 2016, với định hướng tập trung phát triển vùng nguyên liệu cũng như đầu tư chế biến và phân phối đặc sản Tây Bắc, HKT đặt mục tiêu doanh thu và lãi ròng đồng thuận tăng đáng kể với con số thực hiện năm 2015. Cụ thể, doanh thu kỳ vọng đạt 102 tỷ đồng, tăng 76% và lợi nhuận sau thuế đạt 12 tỷ đồng, tăng 150%.

Tuy nhiên, sau 10 tháng đầu năm 2016, doanh thu Công ty đạt được hơn 53 tỷ đồng, tương đương thực hiện 52% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế hơn 6.5 tỷ đồng, tương ứng bằng 54% kế hoạch.

Kế hoạch tăng vốn gấp đôi

Cùng với việc niêm yết, HKT cũng lên kế hoạch thực hiện tăng vốn lớn. Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành 6.4 triệu cp để tăng vốn lên 119.9 tỷ đồng. Phương thức phát hành là phát hành 278,865 cp trả cổ tức 2015 bằng cổ phiếu và phát hành 6.1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:110 với giá 10,000 đồng/cp.

Mục đích huy động vốn là đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với diện tích trồng chè giai đoạn 1 từ 415 tăng lên 517 ha, giai đoạn 2 mở thêm 500 ha chè; đầu tư phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu cây ăn quả đặc sản Tây Bắc như mận, mơ, táo mèo....; đầu tư cải tạo nhà máy; đầu tư xây dựng bộ phận nhận diện và phát triển thương hiệu chè và đặc sản Tây Bắc; thực hiện góp vốn chi phối (51%) công ty phân phối mở rộng thị phần xuất khẩu mặt hàng của Công ty…/.