Fortex: Chào sàn với khát vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sợi dệt

Fortex: Chào sàn với khát vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sợi dệt

Những lợi thế về công nghệ hiện đại cùng định hướng mở rộng nhà máy trong khi cơ hội trong ngành còn khá lớn sẽ là động lực chính đem lại sức bật tăng trưởng tốt cho Fortex (FTM) trong giai đoạn sắp tới.

Ngày 18/01/2017, 50 triệu cp CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) với mã chứng khoán FTM dự kiến niêm yết giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) với giá tham chiếu phiên đầu tiên 18,000 đồng/cp.

Cơ hội lớn đang chào đón FTM

Chia sẻ tại buổi roadshow diễn ra ngày 12/01/2017, ông Lê Mạnh Thường – Chủ tịch HĐQT FTM cho biết công ty được thành lập vào năm 2002 tại tỉnh Thái Bình với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi bông, bao gồm sợi chải kỹ, sợi chải thô và sợi kết thúc mở (OE), tạo ra thu nhập trên 1,000 tỷ đồng, tương đương khoảng 45 triệu USD một năm. FTM sở hữu 3 nhà máy đặt tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Tiền Hải với tổng 108,700 cọc sợi và công suất hàng năm đạt 17,000 tấn. Các khách hàng lớn của FTM đến từ thị trường Trung Quốc, Hồng Công, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Châu Âu và trong nước. Nguyên liệu được nhập khẩu từ Châu Phi, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, và Úc.

Ông Lê Mạnh Thường – Chủ tịch HĐQT FTM phát biểu tại buổi roadshow

Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam chiếm khoảng 4.5% ngành dệt may toàn cầu với giá trị xuất khẩu vào khoảng 28.5 tỷ USD trong năm 2016. Xét riêng ngành công nghiệp sợi, sản lượng sản xuất của Việt Nam hiện nay vào khoảng 1.37 triệu tấn sợi mỗi năm, trong đó 23.6% được sử dụng trong nước để sản xuất 1.7 tỷ m2 vải. Trong khi phần sợi còn lại (76.4%) được xuất khẩu.

Chính vì vậy, thời điểm hiện tại là cơ hội lớn cho ngành dệt may khi chi phí sản xuất của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc (bao gồm chi phí lao động và điện). Song song đó, Việt Nam đang nhận được những ưu đãi thuế quan từ các nước khi ký kết Hiệp định thương mại FTAs.

Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai

Xét về kết quả kinh doanh, lãi ròng của FTM tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2015 từ 6.6 tỷ đồng lên gần 70 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng năm 2015 tăng mạnh gần 7 lần so với năm 2013, đạt 7.3%. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của FTM đạt gần 827 tỷ đồng, với lợi nhuận gộp đạt gần 72 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong 3 quý đầu năm đạt hơn 22 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo như dự phóng của CTCK Bảo Việt (BVSC) được công bố trong buổi roadshow, sản lượng sản xuất của FTM trong năm 2016 ước đạt 14,662 tấn, với doanh thu đạt 916 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sau thuế trong năm đạt mức 38 tỷ đồng. Các chỉ số như GPM (lợi nhuận gộp biên) và NPM (lợi nhuận ròng biên) đạt lần lượt là 12% và 3.5%, ROE của công ty trong năm 2016 sẽ là 6.7%.

Ở các năm tiếp theo, FTM dự kiến sẽ đạt doanh thu là 1,147 và 1,521 tỷ đồng trong năm 2017 và 2018. Lãi ròng ước tính trong các năm này đạt lần lượt 59 và 78 tỷ đồng tương ứng tốc độ tăng trưởng lãi ròng hàng năm (CAGR) là 43.3%/năm. Với những bước tiến mạnh mẽ trong sản lượng sản xuất và doanh thu, tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần (ROE) của FTM sẽ tăng mạnh lên 12% vào năm 2017 và đạt mức 16% vào năm 2018.

Để có thể đạt được những mục tiêu này, FTM đưa ra một kế hoạch mở rộng dài hạn đến năm 2030. Trong đó, Công ty sẽ đầu tư vào nhà máy thứ 4 với công suất đạt 8,700 tấn/năm, tổng vốn đầu tư lên tới 35 triệu USD. Từ năm 2017-2020, Công ty tiếp tục mở rộng công suất khi đầu tư một nhà máy sợi mới với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD.

Ngoài ra, Công ty có kế hoạch lấn sân vào mảng dệt nhuộm, vốn là “nút cổ chai” của ngành may mặc Việt Nam. Trong giai đoạn 2021-2030, Công ty sẽ tích hợp hoàn toàn vào chuỗi giá trị bằng cách đầu tư dệt may và khu công nghiệp may mặc tại tỉnh Thái Bình. Trong giai đoạn này, công suất sợi dự kiến sẽ đạt 50 ngàn tấn/năm với công suất vải là 50 triệu m2 và hoàn thành chuỗi giá trị khép kín sợi - dệt - nhuộm - may./.