Hé lộ ước kết quả kinh doanh 2016 của các DNNY với nhiều mảng sáng

Hé lộ ước kết quả kinh doanh 2016 của các DNNY với nhiều mảng sáng

Năm 2016 vừa khép lại không lâu và nhiều doanh nghiệp niêm yết đã sớm đưa ra con số ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh 2016 với phần lớn đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 12/01/2017 đã có khoảng 20 doanh nghiệp (bao gồm niêm yết và chưa niêm yết) công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm tài chính 2016, trong đó riêng nhà băng là 6 đơn vị. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp đều vượt kế hoạch đặt ra, đạt được mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2015.

Thống kê kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016
Đvt: Tỷ đồng

Đầu tiên, một năm nhiều năng nổ đã đem lại kết quả kinh doanh mỹ mãn cho CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (HOSE: AAA) khi kết quả kinh doanh 2016 đạt được mức cao nhất kể từ khi thành lập đến nay. Cụ thể, trong năm Công ty đã tiêu thụ được 61,987 tấn sản phẩm, đạt 2,100 tỷ doanh thu hợp nhất, hoàn thành kế hoạch doanh thu và thu được 143 tỷ lợi nhuận sau thuế hợp nhất - vượt 43% kế hoạch (100 tỷ).

Không những vậy, với nhà máy 6A dự kiến đi vào hoạt động, năm 2017, AAA tự tin đặt kế hoạch doanh thu 2,900 tỷ đồng và lợi nhuận tăng gấp đôi so với con số kế hoạch 2016, tương đương 200 tỷ đồng. Theo đó, Công ty cũng dự kiến sẽ tăng tỷ lệ chi trả cổ tức từ 20% lên 30%.

HĐQT CTCP Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) cũng vừa thông qua báo sản lượng cao su khai thác năm 2016 ước thực hiện đạt 1,125 tấn, tăng 12% so với con số theo dự định là 1,003 tấn. Tổng doanh thu và thu nhập khác dự đạt 86 tỷ đồng, vượt kế hoạch 9%; lãi ròng ước thực hiện năm 2016 vượt kế hoạch đến 58%, đạt 22 tỷ đồng.

Năm 2017, TNC đặt mục tiêu sản lượng cao su khai thác 1,280 tấn, tăng 27.6% so với kế hoạch năm trước. Tuy nhiên, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lại chỉ 75 tỷ đồng và 12.6 tỷ đồng; lần lượt giảm 4.6% và 9.3% so với kế hoạch năm 2016.

Một gương mặt khác, CTCP CNG Việt Nam (HOSE: CNG) ước sản lượng khí tiêu thụ trong năm 2016 là 119.52 triệu SM3. Theo đó, tổng doanh thu ghi nhận hơn 833 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế tương ứng ở mức 140.5 tỷ đồng và 112.4 tỷ đồng, cùng vượt 6% kế hoạch cả năm. Điều đáng nói là 1 ngày trước đó Công ty này điều chỉnh kế hoạch doanh thu 2016 còn 827 tỷ đồng, giảm 25% so với kế hoạch ban đầu, đồng thời lãi ròng cũng được điều chỉnh giảm 17%, xuống mức 106 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch chưa điều chỉnh thì doanh thu và lợi nhuận ước năm 2016 của CNG chỉ bằng 75.5% và 88% so với kế hoạch.

Tại CTCP Giống cây trồng Trung ương (HOSE: NSC), HĐQT đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 của Công ty mẹ với doanh thu 822 tỷ đồng, vượt nhẹ 2% kế hoạch và tăng 6% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 186.87 tỷ đồng, vượt gần 7% kế hoạch và tăng 19% so cùng kỳ. Theo đó, Công ty sẽ chi cổ tức là 30%.

Đặc biệt, với việc giảm trích lập dự phòng góp phần đẩy lãi ròng quý 4 tăng gấp 7 lần, CTCP Đầu tư & Phát triển Giáo dục Phương Nam (HNX: SED) còn được biết đến là đơn vị đầu tiên công bố BCTC quý 4. Tính chung cho cả năm, tổng doanh thu ghi nhận gần 510 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm trước đồng thời vượt nhẹ kế hoạch 6%. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 15%, đạt gần 34 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến thời điểm 31/12/2016 hơn 271 tỷ đồng, tăng 12.6% so với đầu năm. Nợ phải trả 80.5 tỷ đồng; trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 58%, tương đương gần 47 tỷ đồng.

Ngược lại so với những con số tích cực trên thì CTCP May Phú Thịnh - Nhà Bè (HNX: NPS) khá bi quan với con số thua lỗ trong năm lên đến 2 tỷ đồng. Cụ thể, NPS ước tổng doanh thu xấp xỉ 34 tỷ đồng, chỉ thực hiện 69% kế hoạch năm, giảm 22% so với năm trước; và ghi nhận khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng, năm đầu tiên công bố thua lỗ kể từ khi niêm yết.

Ngành ngân hàng khởi sắc

Nói về nhà băng, tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 đơn vị công bố thông tin sơ khai về kết quả kinh doanh.

Lợi nhuận trước thuế ngành Ngân hàng
Đvt: Tỷ đồng

Đầu tiên, Vietcombank (VCB) với lãi trước thuế 2016 ước đạt 8,212 tỷ đồng, tăng 23.4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ở mức 1.44%, giảm 0.4%; tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu thì vẫn duy trì ở mức cao, tương đương 121%.

Năm 2017, Vietcombank cho biết sẽ phấn đấu tổng tài sản tăng 11%, tín dụng tăng 18%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 15%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1.5% và lợi nhuận trước thuế tăng 12% (9,200 tỷ đồng).

Một “trụ cột” khác trong ngành, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank (HOSE: CTG) cũng ước lợi nhuận trước thuế đạt 8,250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, vượt 4% kế hoạch; tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt là 10.9% và 1%.

Song song với đó, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 720,000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% và cũng hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng nguồn vốn huy động của VietinBank ước đạt 862,000 tỷ đồng, tăng 21%, tương đương 106% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế từ thị trường 1 tăng hơn 30% so với đầu năm.

Nếu so sánh thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) năm 2016 đã lùi xuống hẳn, với con số lợi nhuận trước thuế khoảng 7,500 tỷ đồng.

Một cái tên vừa mới chào sàn đầu năm nay là Ngân hàng TMCP Quốc tế với mã chứng khoán VIB cũng cho biết lợi nhuận trước dự phòng năm 2016 đạt 1,300 tỷ; lợi nhuận trước thuế đạt 702 tỷ, vượt 4% kế hoạch và cao hơn 7% so với năm 2015.

Đồng thời, tổng dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 68,000 tỷ, tăng trưởng gần 25% so với năm 2015, đây là năm thứ 2 liên tiếp VIB đạt mức tăng trưởng này.

Được biết, VIB chính thức giao dịch trên UPCoM ngày 09/01 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17,000 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt gần 9,600 tỷ đồng.

Nhìn chung, hầu hết doanh nghiệp đã công bố ước kết quả năm 2016 đều vượt mức kế hoạch kinh doanh đã đề ra, đồng thời ghi nhận một sự tăng trưởng tương đối tốt so với kết quả năm trước. Tuy nhiên, với dự báo nền kinh tế năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí trong kịch bản xấu sẽ có xu hướng điều chỉnh, thì kế hoạch tương ứng tại chủ thể các doanh nghiệp đặt ra tương đối “khiêm tốn”, đâu đó mức tăng trưởng trung bình chỉ trên dưới 10%.

Lộ diện KQKD 2016 của nhiều ông lớn chưa lên sàn

Cổ phiếu CTCP Hàng không VIETJET (VietJet) dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch từ tháng 2/2017. Mới đây, trả lời phỏng vấn Reuters, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet Air cho biết lợi nhuận trước thuế 2016 của VietJet tăng 91.6% lên 2,300 tỷ đồng, tương đương gần 102 tỷ USD. Hơn nữa, VietJet kỳ vọng lãi ròng năm 2017 sẽ tăng trưởng 30% sau khi tăng gần gấp đôi trong vòng 12 tháng qua.

Là doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) kết thúc năm 2016 với tổng doanh thu đạt 33,233 tỷ đồng, vượt gần 3% kế hoạch năm và tăng 7% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận ghi nhận 4,380 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng là 20%.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VGR) thì cho biết năm 2016 tổng doanh thu đạt hơn 15,000 tỷ đồng (đạt 114% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 2,366 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin (TKV) cũng đưa ra con số doanh thu năm 2016 đạt 101,180 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và bằng 95% thực hiện năm 2015. Lợi nhuận trong năm đạt trên 800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015. Theo đó, năm 2017, Vinacomin hướng tới mục tiêu tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 106,865 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016, đồng thời lợi nhuận đạt 1,000 tỷ đồng./.