Mắc kẹt tại vụ kiện XK thuốc lá, IFC phải huy động vốn qua kênh phát hành riêng lẻ

Mắc kẹt tại vụ kiện XK thuốc lá, IFC phải huy động vốn qua kênh phát hành riêng lẻ

Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra sáng ngày 20/01/2017, cổ đông CTCP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (UPCoM: IFC) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 12 triệu cp cho tối đa 99 cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:4. Với số tiền 120 tỷ đồng dự kiến thu về sau thương vụ trên, IFC sẽ trích hơn 19 tỷ đồng để hoàn thuế xuất khẩu theo như phán quyết sơ thẩm của Tòa án.

CTCP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (UPCoM: IFC) có tiền thân là Công ty Thực phẩm II, được tách ra từ Công ty Thực phẩm và Nông sản TP.HCM vào tháng 6/1976. Tháng 09/1992, Công ty được chuyển thành Công ty thực phẩm Công nghệ TP.HCM, đến ngày 15/03/2016, cổ phiếu Công ty chính thức được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM với giá đóng cửa cuối phiên là 19,000 đồng/cp.

Được biết, kế hoạch tăng vốn đã được Công ty thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn từ 30 tỷ lên 120 tỷ đồng; Tuy nhiên tính đến ngày 30/06/2016, khoản lỗ lũy kế của Công ty lên đến con số 75 tỷ đồng, đồng thời Báo cáo kiếm toán năm 2015 ghi nhận ý kiến loại trừ liên quan đến lô hàng xuất khẩu thuốc lá nên Công ty không đủ điều kiện để thực hiện công tác phát hành. Theo đó, đến nay với sự tư vấn của một công ty chứng khoán, IFC chuyển hình thức huy động vốn sang phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:4, trong đó giới hạn số cổ đông tham gia là 99 cổ đông.

Cụ thể, danh sách cổ đông tham gia đã được chốt vào ngày 31/12/2016, Công ty sẽ lọc 99 cổ đông hiện hữu theo thứ tự giảm dần về khối lượng đặt hàng, theo đó cổ đông sẽ không có quyền chuyển nhượng cp trên tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.Trường hợp số cổ phần còn dư ra, Công ty sẽ giao quyền cho HĐQT ưu tiên phân bổ cho cổ đông có số lượng chào mua cao nhất.

ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn diễn ra sáng ngày 20/01/2017 với sự tham gia của 12 cổ đông, đại diện cho 2,741,174 cp, chiếm 91.37% vốn cổ phần.

Về phương thức sử dụng vốn, Công ty dự định sử dụng 19 tỷ đồng huy động để hoàn thuế theo quyết định của tòa án sơ thẩm. Số tiền còn lại được sử dụng để tái cơ cấu khoản nợ vay cũng như bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, IFC dự định sẽ đầu tư dự án văn phòng với tổng nguồn vốn tương đương 74 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông về kết quả phiên tòa sơ thẩm ngày 11/11/2016, ông Võ Thành Đông Phương – Giám đốc IFC cho biết - Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn là đối tượng có liên quan trong vụ án buôn lậu thuốc lá (vụ án hình sự số 514) nên phải bồi hoàn lại cho Cục thuế TP.HCM số tiền hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có sự kháng cáo từ các bị cáo liên quan, dẫn đến đây chỉ mới được xem là kết luận sơ bộ, còn phải chờ đợi phán xét chính thức từ phiên tòa phúc thẩm tiếp theo.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, kể từ vụ dính líu vào năm 2013 đến nay, doanh thu Công ty liên tục sụt giảm, năm 2015 chỉ còn 284 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 9 lần so với con số 2,167 tỷ đồng năm 2013. Tính đến quý 3/2016, doanh thu thuần chỉ còn xấp xỉ 37 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 38% kế hoạch. Cùng với đó, do khoản chi phí khác gần 93 tỷ đồng (tiền thuế và tiền phạt hơn 92.6 tỷ đồng, tổng số tiền chậm nộp gần 650 triệu đồng) khiến Công ty lỗ gần 82 tỷ đồng, trong khi con số lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch là 10.5 tỷ đồng. Được biết thêm, con số lỗ lũy kế 75 tỷ đồng nói trên cũng chủ yếu xuất phát từ 93 tỷ đồng mà IFC phải bồi hoàn thuế cho Nhà nước./.