Thống đốc NHNN: Cần khuôn khổ pháp lý để tái cơ cấu ngân hàng

Thống đốc NHNN: Cần khuôn khổ pháp lý để tái cơ cấu ngân hàng

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, trong năm 2017, việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ phải thực hiện quyết liệt hơn. Muốn vậy rất nhiều quy định pháp lý hiện đang gây khó cho quá trình này phải sửa đổi.

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của VietinBank diễn ra ngày 9-1, ông Hưng cho biết cần có khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. NHNN sẽ phối hợp để xây dựng luật, tạm gọi là Luật hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Trong đó, những vấn đề để xử lý các ngân hàng trong diện tái cơ cấu chưa có quy định của luật thì sẽ được luật hóa để có hành lang pháp lý rõ ràng, có công cụ để hệ thống ngân hàng thuận lợi trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu.

Một loạt vướng mắc tồn tại trong quy định pháp luật cũng cần được đưa vào trong luật để tháo gỡ các khó khăn khi xử lý nợ xấu. NHNN sẽ báo cáo Quốc hội để đưa vào luật các quy định liên quan đến thu giữ tài sản đảm bảo để đảm bảo quyền lợi của người cho vay. Đây là điểm then chốt trong việc xử lý nợ xấu cùng vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Ông Hưng cũng cho biết NHNN đã có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị các cơ quan này nghiên cứu để gỡ vướng mắc, có quy định thống nhất liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo, giúp cho quá trình xử lý nợ xấu được nhanh chóng hơn.

Ngoài ra vấn đề xử lý sở hữu chéo cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn trong luật để hạn chế thao túng, sử dụng ngân hàng để làm lợi ích cho công ty sân sau. Các quy chế an toàn cũng phải được tăng cường.

"Như các cá nhân mua cổ phần phải chứng minh được nguồn thu nhập đó hợp pháp hợp lệ, phải sử dụng tiền thật, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm thì vĩnh viễn không được tham gia quản trị điều hành ngân hàng", ông Hưng nói.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu.

Tại hội nghị trên, ông Hưng cũng cho rằng trên 50% tín dụng của hệ thống là trung dài hạn, trong khi đó nguồn tiền gửi trung dài hạn huy động được chỉ khoảng 13-15%. Điều này cho thấy sự mất cân đối trong kỳ hạn giữa huy động và cho vay, rất dễ gây rủi ro cho hệ thống...

http://www.thesaigontimes.vn/155868/Thong-doc-NHNN-Can-khuon-kho-phap-ly-de-tai-co-cau-ngan-hang.html