Thủ tướng kiểm soát tất cả nguồn vốn vay nước ngoài

Thủ tướng kiểm soát tất cả nguồn vốn vay nước ngoài

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài mà chỉ được vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, theo dự thảo Luật quản lý nợ công vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Thủ tướng kiểm soát tất cả nguồn vốn vay nước ngoài. Ảnh: TL

Theo dự luật, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu huy động, sử dụng nguồn vốn ODA phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và sử dụng vốn ODA, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Báo cáo đề xuất phải chứng minh sự cần thiết của việc huy động, sử dụng nguồn vốn ODA; mục tiêu, quy mô đầu tư, các hạng mục dự án và kết quả đầu ra. Đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng sinh lời và khả năng hoàn trả nợ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thẩm định báo cáo đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng vốn ODA.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu đầu tư và sử dụng vốn ODA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tổ chức vận động, tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho các chương trình, dự án.

Trên cơ sở chủ trương đầu tư và sử dụng vốn ODA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Sau đó các bộ, ngành phê duyệt dự án đầu tư hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có dự án đầu tư và các bộ, ngành, liên quan tiến hành đàm phán, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đàm phám và ủy quyền ký kết hiệp định vay, thỏa thuận vay.

Việc sử dụng vốn ODA theo nguyên tắc: (i) Đối với các chương trình, dự án hoặc hạng mục thuộc đối tượng cấp phát Ngân sách Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp trong dự toán ngân sách chi đầu tư phát triển, trình cấp có thẩm quyền quyết định; không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên; (ii) Đối với các chương trình, dự án thuộc đối tượng cho vay lại, Bộ Tài chính thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại (hoặc ủy quyền) theo quy định tại luật này và các văn bản hướng dẫn liên quan; (iii) Đối với khoản vay bằng tiền trực tiếp cho Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp trong dự toán Ngân sách Nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự luật cũng quy định sử dụng nguồn vốn ODA phải đảm bảo chặt chẽ, có hiệu quả. Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương vay lại nguồn vốn ODA có trách nhiệm bố trí vốn trả nợ. Các địa phương, tổ chức tài chính - tín dụng vay lại nguồn vốn ODA có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho Bộ Tài chính.

Đối với việc huy động các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài thì các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu huy động, sử dụng vốn vốn vay ưu đãi nước ngoài cũng phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và sử dụng vốn vay, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Riêng với các khoản huy động nguồn vốn vay thương mại nước ngoài khác thì chỉ huy động cho mục đích vay về cho vay lại đối với chương trình, dự án có khả năng hoàn vốn. Tất nhiên, các chủ chương trình, dự án có nhu cầu sử dụng vốn vay thương mại nước ngoài phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và sử dụng vốn vay thương mại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

http://www.thesaigontimes.vn/156117/Thu-tuong-kiem-soat-tat-ca-nguon-von-vay-nuoc-ngoai.html