Trung tâm tài chính London kiếm được bao nhiêu mỗi năm từ EU?

Trung tâm tài chính London kiếm được bao nhiêu mỗi năm từ EU?

Theo số liệu từ Chính phủ Anh, mỗi năm hệ sinh thái tài chính và kinh doanh của Luân Đôn kiếm được gần 50 tỷ bảng Anh (khoảng 60.7 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU).

Tài liệu tóm tắt của Viện Thứ dân được công bố vào hôm thứ Hai vừa qua cho thấy các ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, giới tư vấn, kế toán và luật sư của Anh đã kiếm được 48.8 tỷ bảng Anh từ những dịch vụ họ cung cấp cho các quốc gia EU trong năm 2015 (theo số liệu mới nhất).

Tính ra con số này tương đương với:

  •  Trên 50% tất cả các dịch vụ nước Anh xuất khẩu sang EU mỗi năm.
  • Trên 20% tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Anh sang EU.
  • Gần 10% tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Anh đi toàn cầu.

Các con số trên cho thấy cả tầm quan trọng của London đối với nền kinh tế Anh lẫn tầm quan trọng của việc giao thương với EU. Lĩnh vực tài chính của Anh hiện có mức thặng dư thương mại lớn nhất với EU, với chiều “bán” nhiều hơn chiều “mua” là 19.1 tỷ bảng Anh.

Giới phân tích đang lo sợ rằng mối quan hệ giao thương quan trọng này có thể sẽ gặp nguy hiểm vì sự ra đi của Anh khỏi EU (hay còn gọi là Brexit). Hiện có nhiều hiểm nguy tiềm ẩn: (i) Sự thiếu rõ ràng về một thỏa thuận hậu Brexit có thể khiến các công ty tài chính tái định cư ở bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu; (ii) Việc mất quyền hộ chiếu tự “do di chuyển” (cho phép các công ty bán dịch vụ trên khắp EU từ nước Anh) có thể dẫn đến một sự ra đi tương tự; (iii) Không đạt được một thỏa thuận thương mại mới trong khung thời gian 2 năm sau Brexit có thể dẫn đến sự sụp đổ trong xuất khẩu vì khi ấy giao thương giữa Anh và EU sẽ chạm mép “vực thẳm”.

Anthony Browne, CEO của Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA), lặp lại sự cần thiết phải có một thỏa thuận chuyển giao nhằm giảm nhẹ thiệt hại của tiến trình rời khỏi EU và cho phép London tiếp tục giao thương với châu Âu trong khi chờ đạt được một thỏa thuận thương mại tự do vĩnh viễn. BBA đại diện cho hơn 200 ngân hàng và là tổ chức thương mại chính cho lĩnh vực ngân hàng ở nước Anh.

Browne nói với Business Insider: “Cần phải có thỏa thuận chuyển giao nhằm tránh sự gián đoạn đột ngột và gây thiệt hại cho các dịch vụ ở cả hai thời điểm: Khi Anh rời khỏi EU và khi 2 bên bước vào mối quan hệ đối tác mới. Điều này là cần thiết ngay từ đầu nhằm giảm nguy cơ các doanh nghiệp hay ngân hàng sẽ quyết định mang việc làm và dịch vụ ra khỏi nước Anh, khi họ chưa rõ mối quan hệ tương lai với EU sẽ như thế nào”.

Trong một bài báo cho Observer năm ngoái, Browne cảnh báo “tay của các ngân hàng đã đặt trên nút ‘tái định cư’. Nhiều ngân hàng nhỏ đang lên kết hoạch bắt đầu tái định cư trước lễ Giáng sinh, còn các ngân hàng lớn hơn được cho là sẽ bắt đầu trong quý 1/2017”.

Trước lễ Giáng sinh Thủ tướng Theresa May ngụ ý rằng nước Anh sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận chuyển giao. Tuy nhiên, hiện không có gì bảo đảm rằng EU sẽ sẵn lòng dành cho nước Anh một thỏa thuận như thế nhằm giảm thiệt hại của quá trình ra đi.

Browne nói thêm rằng các con số thương mại của Chính phủ Anh cho thấy một thỏa thuận chuyển giao cũng là lợi ích của EU. “Tất cả các quốc gia thành viên của EU đều có lợi ích chung trong việc bảo đảm giai đoạn này (khoảng thời gian giữa dàn xếp sự ra đi của Anh khỏi EU và bất kỳ mối quan hệ mới nào được hình thành) phải giảm được tối đa sự gián đoạn đối với các doanh nghiệp và khách hàng. Bao gồm những dàn xếp chuyển giao trong thỏa thuận rút lui của Anh theo Đạo luật 50 sẽ giúp tránh được một khoảnh khắc ‘thảm họa’ và bảo đảm một giai đoạn chuyển giao hậu Brexit có trật tự”.

Mặc dù 50 tỷ bảng Anh/năm là khá cao, nhưng con số này hiện chỉ đại diện cho nguồn thu nhập mà các công ty dịch vụ chuyên nghiệp và tài chính ở Anh kiếm được. Mối quan hệ giữa châu Âu và ngành tài chính Anh mới sâu rộng hơn nhiều, khi số liệu riêng của BBA cho thấy các ngân hàng Anh đang giữ trên 60 tỷ Euro tiền gửi của Đức và cho các công ty Đức vay hơn 90 tỷ Euro./.