ĐHĐCĐ 2017 PNC: Ngán ngẩm với bất thành và không thông qua kéo dài

ĐHĐCĐ 2017 PNC: Ngán ngẩm với bất thành và không thông qua kéo dài

Sáng ngày 10/02/2017, CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần đầu cho niên độ tài chính năm 2017, nhưng vẫn là bài ca bất thành do số cổ đông tham dự chỉ đạt 3,960,358 cp, chiếm 36.67% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính năm 2017 lần 1 bất thành do số cổ đông tham dự chỉ chiếm 36.67% số cổ phần có quyền biểu quyết

Nút thắt vẫn chưa được gỡ

Từ năm 2015 đến nay, liên tục ĐHĐCĐ thường niên của Công ty không thể tổ chức thành công ngay lần đầu bởi sự mâu thuẫn giữa các thành viên HĐQT và nếu tổ chức thành công thì cũng trầy trật tranh cãi cùng hàng loạt vấn đề không được thông qua.

Trong năm 2016, một động thái quan trọng đã diễn ra là hai ông Phạm Uyên Nguyên, Thành viên HĐQT và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch HĐQT - mấu chốt của cuộc mâu thuẫn kéo dài từ năm 2015 đến nay - đã thoái toàn bộ vốn đang nắm giữ. Ngay sau đó, CTCP Phát triển Kinh doanh Trường Phát và CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh xuất hiện và chính thức trở thành cổ đông lớn từ cuối 8/2016, khi gom 32% vốn tương đương 3.5 triệu cp. Từ đó đến nay, hai tổ chức này liên tục đăng ký gom vào cổ phiếu PNC nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 48.13%. Tuy nhiên điểm đáng nói, ông Nguyên và ông Quỳnh đều là Chủ tịch HĐQT tương ứng của CTCP Phát triển Kinh doanh Trường Phát và CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh.

Quả thật, trong buổi sáng ngày hôm nay (10/02), hai cổ đông lớn là CTCP Phát triển Kinh doanh Trường Phát và CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh đang nắm sở hữu lớn nhất với tỷ lệ lần lượt là 24.8% và 23.3% đã không có mặt khiến ĐHĐCĐ thường năm 2017 lần đầu không thể diễn ra. Bà Phan Thị Lệ - Chủ tịch HĐQT có chia sẻ về việc nhận được thư của hai cổ đông này thông báo không tham gia được Đại hội vào sáng ngày 10/02/2017.

Lãi ròng tăng mạnh nhưng liệu cổ đông có quan tâm?

Điểm sơ tình hình hoạt động kinh doanh, theo BCTC hợp nhất đã được soát xét, doanh thu tăng 26% so với năm 2015, đạt gần 543 tỷ đồng. Trong đó, hai mảng kinh doanh sách và kinh doanh hàng tổng hợp là nhân tố chủ yếu, lần lượt chiếm 39% và 46% cơ cấu doanh thu. Được biết, kết quả này là do trong năm nay, Công ty đã thực hiện đẩy mạnh mạng lưới bán lẻ với việc khai trương 12 nhà sách, 1 Bookcafe Nguyễn Văn Bình, 3 kios và cải tạo nhận diện nhà sách hiện có nhằm gia tăng sức thu hút.

Bên cạnh đó, doanh thu kinh doanh hàng băng đĩa giảm rõ rệt từ 9 tỷ còn 307 triệu đồng khi xu hướng nghe nhìn trực tuyến, hình thức giải trí công nghệ số phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Hoạt động tài chính của PNC thì doanh thu tăng nhẹ 6% và chi phí giảm 9% do tỷ giá không biến động lớn. Kết thúc năm 2016, lãi ròng ghi nhận được hơn 1.9 tỷ đồng, gấp 13 lần năm trước.

Về tình hình nợ của PNC, các khoản nợ hiện chiếm đến 82% cơ cấu tài sản. Trong đó, gần 160 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn là từ khoản vay 7 triệu USD của Cross Junction Investment Pte., Ltd (CJ). Kiểm toán viên đã có nhấn mạnh trong BCTC kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục khi tại thời điểm 31/12/2016, PNC vẫn tái diễn tình trạng các khoản nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 76.3 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2017, doanh thu của PNC dự kiến đạt 600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng, gấp 2.8 lần kết quả thực hiện năm 2016.

Nhưng, dù kết quả kinh doanh có thế nào thì với tình hình căng thẳng vẫn kéo dài như hiện nay, các cổ đông có lẽ sẽ không quan tâm mấy đến kết quả kinh doanh năm qua hay kế hoạch năm 2017 mà thay vào đó là điều gì có thể làm và khi nào những mâu thuẫn giữa các thành viên HĐQT kết thúc để Công ty hoạt động một cách trơn tru hơn./.