Hãy đầu tư vào Mỹ!

Hãy đầu tư vào Mỹ!

Tom Naratil, Giám đốc quỹ quản lý tài sản của UBS, vừa có bài viết trên Business Insider về những gì ông cảm nhận được trong giới đầu tư Mỹ vào thời điểm này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trước khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump từng nói rằng bộ máy mới của mình sẽ làm việc theo phương châm “Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ”. Giờ đây, để biến điều đó thành hiện thực thì có lẽ cần phải nói thêm là “Hãy đầu tư vào nước Mỹ”.

Dù những cải cách để thúc đẩy tăng trưởng có thể phức tạp và mất nhiều thời gian, nhưng hiện tại người Mỹ đang có một cơ hội trực tiếp để phát triển nền kinh tế của mình, nhờ sự lạc quan ngày càng tăng và tinh thần sẵn lòng “móc hầu bao” của giới đầu tư và các doanh nghiệp nhỏ.

Vì vậy hãy tiếp sức thêm cho tâm lý đó và cung cấp thêm lý do để đầu tư vào Mỹ thông qua các biện pháp khuyến khích, bằng cách loại bỏ những trở ngại về cơ chế và bằng cách tập trung vào những lĩnh vực mà vừa có nhu cầu nhất vừa thu hút được sự quan tâm nhất từ giới đầu tư.

Ở Mỹ, UBS hiện đang quản lý hơn 1 ngàn tỷ USD. Ông Naratil cho hay UBS trò chuyện với nhà đầu tư mỗi ngày và thường xuyên đo lường cảm giác của họ về nước Mỹ, nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng. Theo khảo sát của Investor Watch gần đây nhất với giới giàu và siêu giàu thì sự lạc quan của họ dành cho nền kinh tế Mỹ đã tăng lên đáng kể kể từ ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.

Phần lớn trong số các nhà đầu tư này đang chủ động tìm kiếm cơ hội trên thị trường, với 42% trong số đó là tìm cơ hội mua thêm cổ phiếu. Trong khi đó, kết quả khảo sát dành cho các chủ doanh nghiệp lại tiết lộ rằng khả năng họ có thể tăng đầu tư và tuyển dụng cao hơn gấp đôi so với khả năng giảm quy mô doanh nghiệp. Khi bạn xem xét những tâm lý này, cùng với các kỳ vọng lớn trên khắp toàn cầu về một nền kinh tế Mỹ tiếp tục tốt hơn, thì những dấu hiệu về nhu cầu tăng trưởng này là rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, giới đầu tư cá nhân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về môi trường chính trị ở Washington. Còn các chủ doanh nghiệp nhỏ chủ yếu lo lắng về chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, về thuế và những quy định điều hành.

Tuy nhiên, bất chấp những vấn đề đó, và sau một thời gian dài bất ổn, cả hai nhóm trên đều cho thấy rằng họ đang sẵn sàng vượt qua trở ngại và bắt đầu đưa ra các quyết định mà sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp nên làm mọi thứ có thể để lắng nghe và phản hồi.

Giới đầu tư và chủ doanh nghiệp hiện đề xuất 2 lĩnh vực cụ thể mà các nhà làm chính sách có thể phá vỡ nút thắt dai dẳng liên quan đến vấn đề lập pháp và tạo ra những bước tiến có ý nghĩa.

Lĩnh vực thứ nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ đây đến năm 2025, Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ (ASCE) thiếu 1.4 ngàn tỷ USD để cải thiện những cơ sở hạ tầng chủ chốt, trong đó những tuyến đường giao thông khổng lồ đang đối mặt với sự thiếu vốn lớn nhất. Một điều đáng khích lệ là, hai đảng lớn đã đồng thuận rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khi tận dụng nguồn vốn tư nhân, là một trong những cách tốt nhất mang lại việc làm cho dân Mỹ và phát triển nền kinh tế.

Chính phủ Mỹ hiện có một cơ hội lớn để hình thành chính sách thuế nhằm khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận nhiều rủi ro hơn từ những dự án này, đồng thời khuyến khích vốn tư nhân để tăng hiệu quả của đồng tiền bỏ ra.

Lĩnh vực thứ hai là nghiên cứu y khoa và khoa học. Mặc dù chi phí chăm sóc sức khỏe tăng vọt, nhưng theo Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMS), phần đóng góp của Mỹ dành cho nghiên cứu y khoa toàn cầu đã giảm gần 25% kể từ năm 2004. Hiện nhà đầu tư xem đây là cơ hội mang lại kinh tế tăng trưởng và những lợi ích xã hội rõ ràng thông qua nghiên cứu mà mang lại những phương pháp chữa trị mới cho các căn bệnh kinh niên. Và một lần nữa, chính sách thuế có thể giúp thúc đẩy đầu tư trong các dự án nghiên cứu mang tính thương mại mới ở giai đoạn đầu mà sẽ giúp thỏa mãn sự thèm khát của giới đầu tư.

Đây mới chỉ là hai lĩnh vực mà nhà đầu tư nói với ông Naratil rằng họ nhìn thấy cơ hội, đồng thời có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và mang lại lợi ích sâu rộng hơn. Trong những tháng tới, chắc chắn sẽ có một số “cuộc chiến” dữ dội ở cơ quan lập pháp. Nhưng nếu các nhà làm luật có thể ưu tiên các chính sách mà có thể nhanh chóng được thông qua thì nền kinh tế Mỹ sẽ cảm nhận được những tác động sớm hơn nhiều và có tiềm năng tăng trưởng dài hạn lớn hơn. Nhà đầu tư hiện đang háo hức được “móc hầu bao”, và Chính phủ Mỹ nên nhận thấy vai trò của mình trong việc biến điều đó thành hiện thực. Nếu được vậy thì nước Mỹ sẽ mạnh hơn./.