Ngoài FLC, tiền còn đi đâu?

Chuyển động dòng tiền tuần 20-24/02

Ngoài FLC, tiền còn đi đâu?

FLC trở thành cái tên được nhiều nhà đầu tư chú ý nhất trong tuần qua (20-24/02) khi khối lượng giao dịch trung bình đạt mức cao nhất toàn thị trường. Không chỉ FLC, nhiều mã bất động sản cũng đã thu hút khá mạnh về dòng tiền.

Thanh khoản thị trường trên cả hai sàn tiếp tục gia tăng mạnh trong tuần. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 208.2 triệu đơn vị/phiên tăng 25.77% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 51.2 triệu cổ phiếu/phiên tăng 9.94%.

Còn nhớ tuần trước đó, HAG và HVG chính là hai cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm nhất thì đến tuần 20-24/02, FLC trở thành ngôi sao sáng. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân FLC đạt được là gần 32 triệu cp/phiên, tăng 88% so với tuần trước đó. Riêng phiên giao dịch 24/02, cổ phiếu FLC khớp lệnh gần 44.5 triệu cp, ghi nhận khối lượng khớp lệnh đạt mức cao kỷ lục từ khi niêm yết vào tháng 10/2011. Thực tế, thanh khoản ở  FLC đã tăng một cách mạnh mẽ từ đầu tháng 2/2017 đến nay, đạt gần 20 triệu đơn vị/phiên, gấp 4 lần so với cùng thời điểm liền trước đó.

Tuy nhiên, dẫn đầu mức tăng trưởng về dòng tiền tuần qua chính là EIB với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1.3 triệu cp/phiên, tăng hơn 330% so với tuần trước đó trong khi giá cổ phiếu kết tuần giảm 1.4%. Thực tế thì thanh khoản ở EIB chỉ tăng mạnh trong 1 phiên giao dịch ngày 20/02 khi chạm gần 5.7 triệu cp. Trong ngày này thì EIB công bố thông tin về việc sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào ngày 21/04 tới đây.

Song, đáng chú ý nhất trong tuần qua là dòng tiền đã tăng trưởng nhiều ở nhóm bất động sản như TDH, VPH, HQC, NTL, KBC, PPI, DXG, NLG, PDR, SJS, NBB… Trong đó, TDH có khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 2 triệu cp/phiên, tăng 285% so với tuần trước và giá cổ phiếu cũng tăng hơn 16%, chạm mốc 13,000 đồng/cp, mức cao nhất trong 1 năm qua. Nhiều khả năng dòng tiền tăng ở TDH là do ngày 28/02 sẽ là ngày GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2017 và tạm ứng cổ tức 10% năm 2016 bằng tiền.

Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến VPH khi thanh khoản ở mã này tăng 245% và giá bật tăng đến gần 26%, lên mốc 11,150 đồng/cp – mức cao nhất trong gần 6 năm qua kể từ cuối tháng 3/2011. Ở VPH, một điểm đáng chú ý là sau khi công bố kết quả quý 4/2016 với lãi ròng sụt giảm 53%, đơn vị này liên tục đưa thông tin về việc đã tiến hành bán một phần dự án La Casa, dự kiến lãi gộp mang về hơn 320 tỷ đồng. Chính thông tin này đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu VPH trên thị trường, giúp mã này tăng 75% chỉ trong 1 tháng qua.

Ở chiều ngược lại, CDO chính là mã bị chốt lời mạnh khiến giá mất 14% và khối lượng giao dịch bình quân bay hơi 61%, chỉ còn hơn 1.2 triệu cp/phiên. Đáng chú ý là đến nay thì CDO vẫn chưa công bố BCTC quý 4/2016.

Trong tuần qua, khá nhiều mã lớn cũng bị suy giảm về dòng tiền như PAC, REE, PHR, DPR, NKG, CTI, CTG, BHS, HT1

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE

 

Trên HNX, dòng tiền đầu cơ hoạt động khá sôi nổi trong khi nhiều mã cơ bản lại suy giảm đáng kể.

Tăng nhất là hai mã thuộc nhóm chứng khoán là VIG và VIX với khối lượng giao dịch bình quân đều tăng trên 200% dù không có thông tin gì ở hai cổ phiếu này được công bố trong tuần qua. Song, ấn tượng nhất là giao dịch đột biến của SVN khi giá tăng gần 37% và khối lượng giao dịch tăng 130%.

Mới đây thì HĐQT SVN đã thông qua phương án chào bán 10 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược với giá 10,000 đồng/cp, gấp 4 lần thị giá.

Vốn thu được từ đợt chào bán dự kiến 100 tỷ đồng để góp 50 tỷ đồng vào CTCP Thủy sản Sông Công và 50 tỷ đồng còn lại vào CTCP Nông nghiệp Việt Nhật. Hai khoản tiền này sẽ dùng để phát triển hệ thống nuôi cá nước ngọt và phát triển giống, trồng dược liệu Thái Nguyên. Sau khi góp vốn, tỷ lệ sở hữu của SVN tại hai công ty này tăng từ 18% (20 tỷ đồng) tại Sông Công lên 76.57% (70 tỷ đồng). Còn tại Việt Nhật tăng từ 19% (18 tỷ đồng) lên 78.56% (68 tỷ đồng).

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX